Bên nhau thuở hàn vi nhưng đến khi giàu có, bà Thanh (SN 1967, Hà Nội) lại mải mê ngoại tình, coi thường chồng ra mặt. Bà thường xuyên cặp kè, mải mê chinh chiến yêu đương, cung phụng những chàng trai trẻ đáng tuổi con.
Ông Chiến (SN 1962) biết nhưng ‘khuất mắt, trông coi’, cốt giữ nhà cửa yên ấm, cho con cái đỡ khổ. Mang tiếng là ông chủ lò mổ nhưng kinh tế vợ ông nắm hết, ông chỉ đứng ra giám sát công nhân dưới khu mổ.
Trước đây, khi mới phát hiện vợ ra ngoài tìm vui, ông bóng gió khuyên nhủ. Bà thay đổi ít ngày rồi đâu lại vào đấy. Hơn nữa, nhiều năm nay sức khỏe ông kém, khả năng phòng the cũng không còn sung mãn. Chán nản, ông không bận tâm nữa.
Vậy nhưng, sự nín nhịn của ông không làm bà Thanh hài lòng. Hễ thấy mặt chồng ở nhà, bà lại khó chịu, buông lời cay nghiệt rủa xả chồng, bất kể việc nhỏ nhất.
Ly thân 5 năm nhưng khi biết vợ vướng vòng tù tội, người chồng gạt bỏ mọi chuyện, đứng ra động viên, lo lắng cho bà. |
Đỉnh điểm của sức chịu đựng, một lần ông Chiến vung tay tát vợ. Bà Thanh kêu gào ầm ĩ, đùng đùng xách vali đi khỏi nhà và tuyên bố ly thân.
Bà mua một căn nhà mới, ngang nhiên chung sống với người khác, mặc kệ miệng đời gièm pha. Mọi công việc ở lò mổ, bà thâu tóm, đuổi chồng không thương tiếc.
Buồn rầu, ông Chiến đưa hai con vào TP.HCM sinh sống, tự lấy thịt, bỏ mối cho các sạp ngoài chợ. Suốt 5 năm, ông một mình lo tài chính, chăm sóc các con.
Bà Thanh ngoài Hà Nội, làm được bao nhiêu tiền đều mua xe ô tô, quần áo đẹp cho gã người tình, đưa anh ta đi du lịch nước ngoài.
Hai cô con gái hiểu chuyện, khuyên bố bình tâm mà sống. Chúng còn nói, nếu bố mẹ ly hôn, chỉ ở với bố.
Thế rồi, bà Thanh dính vào đường dây chơi hụi lớn, đến khi vỡ nợ, bị người ta tố giác, bà vướng vòng lao lý. Lò mổ phải đóng cửa. Vụ án vẫn đang trong thời gian chờ xét xử.
Thời gian bà ở trại tạm giam, họ hàng, người thân đều xa lánh vì trước bà đối xử với họ tệ bạc. Chỉ có ông Chiến đưa con từ TP.HCM ra thăm nom. Ông sẵn sàng gạt bỏ những chuyện cũ và thù hận, đứng ra cáng đáng, lo lắng cho bà như ngày trẻ.
Nhiều người kêu ông dại, bị vợ cắm sừng mà vẫn còn thương xót. Bà xấu hổ, nhiều lần ông đến đều từ chối gặp. Thay vì mỉa mai, bỏ mặc vợ, ông kiên nhẫn nhắn bà chịu khó ăn uống, giữ sức khỏe.
Mỗi khi mang đồ tiếp tế, ông cẩn thận chuẩn bị món bà thích ăn nhất, mua từng viên thuốc dạ dày, dặn dò bà uống.
Ông còn bí mật mời luật sư bào chữa cho vợ. Tuy nhiên, khi biết chồng là người thuê luật sư, bà Thanh kiên quyết từ chối. Có lẽ bà còn e ngại chuyện cũ, một phần sợ chồng vất vả, không có tiền. Bởi lâu nay, hai vợ chồng ly thân, bà gần như để ông tay trắng.
Vị luật sư ông Chiến tìm đến nhờ giúp vợ là luật sư Trần Xuân Tiền (Đoàn luật sư TP.Hà Nội).
Luật sư Trần Xuân Tiền. |
Nghe câu chuyện của họ, cảm động tấm chân tình và hành động đầy nhân văn của người chồng, luật sư Tiền vào gặp bà Thanh, thuyết phục bà chấp nhận đơn mời luật sư của chồng.
Bằng thái độ cảm thông và chia sẻ, luật sư Tiền thuật lại cuộc trò chuyện với ông Chiến, để bà hiểu rõ tâm tư của chồng.
Khi biết chồng bán hết đất đai hương hỏa ở quê, lo giải quyết một phần nợ cho vợ, bà Thanh bật khóc tu tu như đứa trẻ. Vì những phút xa hoa, đắm đuối mà bà phá vỡ hạnh phúc của chính bản thân, đẩy chồng con vào cảnh khổ sở, nghèo túng.
‘Ông Chiến tâm sự, dù thế nào, bà ấy vẫn là vợ trên danh nghĩa, là mẹ của các con, cùng ông trải qua tháng năm khó khăn. Một ngày là nghĩa, ông không thể khoanh tay đứng nhìn được.
Điều khiến tôi không thể cầm lòng là ông Chiến đang bị bệnh nặng, khối u đã di căn nhưng không chạy chữa. Ông nói sẽ cố gắng chịu đựng, làm chỗ dựa cho vợ con đến ngày trút hơi thở cuối cùng’, giọng đượm buồn, luật sư Tiền kể.