Xưa nay, không ít phụ nữ đã làm những công việc nguy hiểm rất hiệu quả, đặc biệt trong chiến tranh và trong những hoàn cảnh, những thời khắc bắt buộc họ phải hành động. Nhưng để tham gia với tư cách nghề nghiệp trong xã hội như các nghề: vệ sĩ, thám tử, cứu hỏa, cảnh sát… thì quả là rất hiếm.
Chỉ đến khi xã hội thừa nhận vai trò của phụ nữ bình đẳng với nam giới, nhất là từ nửa cuối thế kỷ XX đến nay, phụ nữ mới dần dần được thử sức trong những nghề nguy hiểm này. Và ở chừng mực nào đó, trong nghề nghiệp, họ không những không thua kém nam giới mà còn có những ưu thế vượt trội mà cánh mày râu không thể nào có được.
Những nữ vệ sĩ kiều diễm
Cuối năm 2007, trong chuyến công du Pháp, Tổng thống Libya Muanmmar Gaddafi đã làm cho dư luận báo chí và công chúng phải ngạc nhiên và quan tâm đặc biệt khi họ nhìn thấy quanh ông luôn có các kiều nữ trong bộ quân phục đồng màu tuyệt đẹp. Đó chính là những người bảo vệ Tổng thống – những nữ vệ sĩ kiều diễm ở một quốc gia Hồi giáo của châu Phi.
Họ là những học viên tốt nghiệp xuất sắc trong Học viện Quân sự Libya và được đào tạo rất công phu tại một địa điểm bí mật và rất thành thạo các kỹ năng bắn súng, lái xe, võ thuật luôn sẵn sàng xả thân vì sự an toàn tuyệt đối của Tổng thống. Mỗi đội nữ vệ sĩ thường có trên 10 người, luôn thay đổi vị trí cho nhau và đảm nhiệm luôn các công việc lễ tân, thư ký, phục vụ.
Thực ra, ngày nay, nữ vệ sĩ không còn xa lạ lắm đối với công chúng bởi vì nhu cầu thuê vệ sĩ ngày càng nhiều, nhất là ở các nước phát triển. Nhiều cô gái xinh đẹp ở các nước bây giờ lại đang háo hức vào nghề vệ sĩ, thám tử và cảnh sát – những nghề có tính đặc thù và nguy hiểm.
Chẳng hạn ở Nga hiện có khoảng 500 phụ nữ hành nghề vệ sĩ, chiếm 2% tổng số vệ sĩ trong cả nước với mức lương từ 1.500 USD đến 2.000 USD cho 15 ngày làm việc trong tháng. Thủ đô Moskva có cả một trường chuyên đào tạo nữ vệ sĩ. Đối tượng được nhận vào trường này là những phụ nữ có ngoại hình đẹp, cân đối, thông minh, nhanh nhẹn, từ 21 đến 37 tuổi, tuyệt đối khỏe mạnh và có thể lực hoàn hảo.
Thông thường, sau đợt thử nghiệm tâm lý kỹ lưỡng và kiểm tra thể chất thật khắt khe, chỉ có 5 cô gái đạt tiêu chuẩn để hoàn thành khóa học 6 tháng. Các nữ vệ sĩ ở đây được huấn luyện hoàn hảo như nam giới và trong hầu hết các trường hợp, nữ vệ sĩ được đánh giá là hoạt động hiệu quả hơn.
Thám tử tài ba, giỏi võ thuật
Đó là danh tiếng mà dư luận và công chúng dành cho Mariam Tomponzi. Bà không chỉ là nữ thám tử tư số 1 của Italia mà còn là người nổi tiếng khắp thành Rome về việc sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin, điện tử vào công tác điều tra.
Với việc xây dựng thành công Học viện Tomponzi chuyên dạy nghề thám tử của bà, dư luận đã đặc biệt chú ý và coi đây là bước tiến mới trong công nghệ ngành thám tử tư. Khi được hỏi về bí quyết nghề nghiệp, Mariam cho rằng, dù nam hay nữ thì việc say mê nghề nghiệp và chấp nhận mọi nguy hiểm vẫn là đức tính hàng đầu của người làm nghề thám tử tư.
Nếu một thám tử chùn bước trước khó khăn thì tốt nhất nên bỏ nghề để làm việc khác. Mặc dù đã qua tuổi ngũ tuần, nhưng người ta luôn thấy trên bàn làm việc của bà toàn những kính lúp, các loại máy ảnh đủ mọi kích cỡ, một lô điện thoại di động với tính năng ưu việt, máy bộ đàm… tất cả những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay đều được Mariam nghiên cứu kỹ lưỡng và đưa vào sử dụng trong nghề thám tử.
Còn ở Mỹ, trong những năm gần đây, hàng trăm nhân viên nữ FBI đã được đào tạo, hầu hết tuổi còn rất trẻ vì thế thiên hạ thường gọi các cô là “Những thiên thần của FBI” hay “Những nàng Lolita của FBI”. Những nàng Lolita dễ thương này là những chuyên gia về tìm kiếm, truy lùng tội phạm tình dục trên mạng. Họ đã góp phần không nhỏ vào những chiến dịch triệt phá các đường dây tội phạm tình dục qua mạng Internet của Mỹ.
Những “bông hồng trị lửa”
Theo bình chọn của độc giả trang Askmen.com, lính cứu hỏa là một trong những nghề dễ gây ấn tượng với phái đẹp vì họ cho rằng lính cứu hỏa mang nhiều phẩm chất tốt đẹp. Do đó, phụ nữ không chỉ coi lính cứu hỏa là một trong những đối tượng dễ chinh phục họ nhất, mà thậm chí bản thân họ đôi khi cũng muốn thử sức ở nghề này.
Christelle Lecorguille, nữ cứu hỏa Pháp tâm sự rằng cô thích xông pha vào các “chiến trận”, thích kiềm chế và khuất phục ngọn lửa – nơi mà cuộc sống cận kề với cái chết và sự can đảm chính là vũ khí duy nhất của những “bông hồng trị lửa”. Một ngày đối với lính cứu hỏa thật là bận rộn nhưng Christelle Lecorguille vẫn vui vẻ và nhanh nhẹn khi làm nhiệm vụ.