Rất nhiều người tò mò về lý do vị lãnh đạo Triều Tiên lựa chọn tàu để công du Việt Nam thay vì máy bay như các nguyên thủ khác.
Sáng nay (26/2), đoàn tàu bọc thép của chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã đến ga Đồng Đăng, Lạng Sơn để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với Tổng thống Mỹ – Donald Trump trong Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2 tại Việt Nam, dự kiến diễn ra trong 2 ngày 27/2 và 28/2. Chuyến tàu bắt đầu khởi hành lúc 16h30 (theo giờ địa phương) tại thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên hôm 23/2. Trải qua một hành trình dài đến 4.000km với 60 tiếng trên tàu, ông Kim Jong Un đã chính thức đặt chân đến Việt Nam.
Việc sử dụng đoàn tàu màu xanh lá cây với những đường kẻ ngang màu vàng gồm 21 toa là truyền thống khi đi công du của các nhà lãnh đạo Triều Tiên. Đây cũng là phương tiện mà nhà lãnh đạo Kim Jong Il, cha chủ tịch Kim Jong Un đã từng sử dụng trong quá khứ. Tàu có tốc độ trung bình là 60km/h bởi vì mọi toa tàu đều được bọc thép và có khả năng chống đạn, khiến nó nặng hơn nhiều so với một chuyến tàu bình thường.
Theo tờ Korea Herald của Hàn Quốc đưa tin, các chuyên gia và quan chức cho rằng có rất nhiều nguyên nhân khiến nhà lãnh đạo Triều Tiên lựa chọn tàu làm phương tiện di chuyển chính thay vì máy bay.
1. Chủ tịch Kim Jong Un muốn đi theo hành trình mà ông nội của ông – cố lãnh đạo Kim Nhật Thành khi đến thăm Hà Nội bằng tàu năm 1958 và 1964.
Cũng theo truyền thông Hàn Quốc, ông Kim Jong Un được cho là luôn muốn xây dựng hình ảnh của bản thân mình theo hình mẫu cố Chủ tịch Kim Nhật Thành. Mà trong hành trình đến Việt Nam lần này, đoàn tàu của lãnh đạo Triều Tiên chạy dài qua phần lớn lãnh thổ Trung Quốc, từ phía Bắc đến phía Nam, điều này mang ý nghĩa góp phần khẳng định mối quan hệ đồng minh giữa thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) và Bình Nhưỡng (Triều Tiên).
Khoảnh khắc ông Kim Jong Un bước ra từ toa tàu bọc thép ở Đồng Đăng sáng 26/3. Ảnh: Nguyễn Tiến Anh Tuấn
2. Đoàn tàu mang số hiệu 3058 đi qua nhiều khu vực có sự phát triển lớn mạnh về nông nghiệp và cả công nghiệp của Trung Quốc, như Thiên Tân và Hồ Nam.
Theo lời nhận định của một chuyên gia Trung Quốc, hành trình này giúp Chủ tịch Kim Jong Un có thể nhìn ngắm phong cảnh đồng bằng ở phía bắc và vùng nông thôn phía nam Trung Quốc, được chứng kiến tận mắt thành tựu cải cách và mở cửa của đất nước này trong 40 năm qua. Điều này giúp tăng cường lòng tin của phái đoàn Triều Tiên về việc thúc đẩy các chính sách tương tự ở nước nhà và đưa ra ý tưởng cụ thể hơn cho sự phát triển kinh tế của đất nước.
3. Tàu bọc thép là lựa chọn an toàn hơn so với máy bay
Đoàn tàu đặc biệt của ông Kim Jong Un được chia làm 6 nhóm toa tàu khác nhau, tổng cộng 90 toa tàu. Tính năng quan trọng nhất của các toa là lớp giáp chống đạn bọc toàn bộ phía bên ngoài với khả năng đứng vững trước các loại đạn xuyên giáp. Bên cạnh đó, mặt sàn tàu cũng được lắp đặt các tấm thép chịu lực, có thể chống chịu cả những vụ nổ từ bom, mìn dưới mặt đất. Với độ dày lên tới 80 cm, thành tàu đặc biệt chắc chắn, khó có thể bị “hạ gục” bởi hỏa lực thông thường. Ngoài ra, lớp vỏ tàu còn có lớp phủ đặc biệt để chống lại radar, cảm biến hồng ngoại và do thám bằng âm thanh.
4. Đi tàu giúp thu hút sự chú ý của công chúng.
Theo ông Tak Hyun-min, cố vấn của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, đi tàu được xem là lựa chọn tuyệt vời của lãnh đạo Triều Tiên, bởi nó giúp “thu hút sự chú ý của công chúng”. Khi đoàn tàu khi qua nhiều khu vực, vùng miền, người dân nơi đó sẽ được thông báo và biết rõ hơn về hành trình của ông Kim như khi đã đến các tỉnh Trung Quốc và Đồng Đăng, Việt Nam.
Hơn nữa, đoàn tàu bọc thép của lãnh đạo Triều Tiên thường được biết đến như “một khách sạn” di động với đầy đủ tiện nghi cần thiết. Bên trong có những chiếc ghế bành bọc da màu hồng với những chiếc bàn gỗ nhỏ xen giữa sẽ mang đến điều kiện tốt nhất cho ông Kim và quan chức cấp cao trong suốt cuộc hành trình.