Phần lớn người bán thận đều ít nhiều có vấn đề. Họ muốn giấu thân phận, lý lịch tư pháp. Để hợp thức hóa thủ tục, những tay “cò” sẽ đứng ra nhận làm giả giấy tờ…
Cầm Bá Chương (1989, quê Thanh Hóa) là một người bán thận “hụt” trong đường dây nuôi người để lấy thận của Nguyễn Đức Thắng.
Lý do khiến cuộc giao dịch đổ bể bởi Chương bị viêm gan B. Dù không muốn, nhưng vì đã ăn dầm nằm dề trong “trại” của Thắng nhiều tháng trời nên Chương bất đắc dĩ trở thành chân sai vặt của “ông trùm” này. Những việc đơn giản như đón người ở bến xe nào, đưa đi xét nghiệm ở đâu, hay chạy đi lấy giấy tờ, kết quả… Chương đã nằm lòng.
Trước khi bị Công an quận Long Biên (Hà Nội) triệt phá, “trại” nuôi người lấy thận của Thắng nằm tại ngõ 66 đường Ngọc Lâm (phường Ngọc Lâm). Không quá khó như nhiều người nghĩ, việc mua bán thận diễn ra khắp nơi, ngay cả trên mạng xã hội.
Theo lời kể của Chương, công việc của “cò” Thắng là hàng ngày lân la trên một số hội, nhóm kín trên mạng xã hội tìm những người có nhu cầu bán thận, lôi kéo họ về “trại” của mình. Ảnh: Nhật Tân
Để minh chứng, Chương cho chúng tôi vào xem hội nhóm kín đang hoạt động rất mạnh trên Facebook mang tên Hội Hiến thận – ghép thận và Hội Hiến thận – ghép thận (chính thức).
Theo quan sát, 2 hội nhóm kể trên có số lượng thành viên tương đương nhau, khoảng 5.000 người, thường bắt đầu bằng những mẩu rao vặt như mua con cá, mớ rau ngoài chợ kiểu: “Cần tìm người hiến nhóm máu O, gốc 04, 09. Chấp nhận qua “cò”. Giá cả thỏa thuận. Ai có inbox” hoặc “Tôi cần hiến thận. Vui lòng liên hệ số điện thoại…”. Ngay phía dưới là vô số những lời chào mời, hỏi han, ngã giá, mặc cả mà phần đa trong số được thực hiện bởi những “cò” thận như Thắng…
Trên “chợ”, giá một quả thận của người trưởng thành khỏe mạnh được định giá công khai từ 220 đến 250 triệu đồng/quả. Người bán nếu quá khó khăn, thậm chí còn được “cò” hỗ trợ trước tiền đi lại. Sau khi ra đến Hà Nội, người bán sẽ được dẫn đi làm các xét nghiệm. Bên cạnh nhóm máu, chỉ số HLA đóng vai trò quan trọng nhất.
“Mỗi “cò” đều có sẵn trong tay danh sách những người cần thận. Nếu các chỉ số khớp nhau thì tiến hành luôn. Còn không khớp thì người bán sẽ được nuôi ăn, ở tập trung tại những nơi như thế này, trong khi “cò” đi tìm nguồn khách hàng. Người nhanh thì chỉ vài hôm. Người lâu thì một vài năm cũng chưa thể tìm được người phù hợp ”, Chương kể.
Trong hành trình nghiệt ngã của các quả thận “chui”, chúng tôi đặc biệt bị thu hút bởi những bộ hồ sơ bệnh án mà theo Chương là có sự giả dối. Chương kể, gần 1 năm sống trong “trại” của Thắng, cậu đã chứng kiến hơn 10 ca mua bán thận trót lọt, mang lại cho Thắng cả tỉ đồng, nhưng khá nhiều trong số chúng bị làm giả lý lịch.
“Phần lớn người bán thận đều ít nhiều có vấn đề. Họ muốn giấu thân phận. “Cò” sẽ giúp làm giả giấy tờ. Từ chứng minh thư, sổ hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn, lý lịch tư pháp,… nói chung là tất cả những gì người bán muốn”, Chương nói.
Theo lời Chương, vì luật pháp Việt Nam nghiêm cấm mua – bán thận, nhưng lại đồng ý cho hiến – tặng, nên các “cò” luôn biết cách móc nối để hợp thức hóa việc mua bán thành tự nguyện hiến tặng. Với người hiến thận chưa kết hôn, buộc phải có sự đồng ý của bố hoặc mẹ. Các “cò” sẽ nhờ ông xe ôm, bà trà đá đứng ra nhận là bố mẹ.
Với người hiến thận đã có gia đình, thì các “cò” lại nhờ người này người kia đóng vai vợ chồng. Nói chung là kiểu gì “cò” cũng làm được. Quan trọng nhất là có người bán và người mua. Mỗi ca như vậy trừ tất cả chi phí, “cò” kiếm từ vài chục đến cả trăm triệu đồng…
Chương cũng cho biết, chỉ làm giả giấy tờ và thuê người thân cũng không hề nhỏ, có trường hợp lên tới 20 triệu đồng. Người mua, tùy nhu cầu cấp bách hoặc không, sẽ bị hét giá từ 300 – 350 triệu đồng, chưa kể chi phí ca mổ lên tới hàng chục triệu đồng. Thông thường, tiền sẽ được chuyển ngay khi người bán lên bàn mổ nhưng cũng có trường hợp “cò” lấy lí do này kia để khất lần…
Nguyễn Đức Thắng (SN 1989, ở huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) – Chủ đường dây nuôi người để lấy thận từng phải bán một bên thận với giá 270 triệu đồng để trả nợ.
Tuy nhiên, cuộc sống của Thắng lúc đó vẫn đi vào bế tắc nên anh ta thuyết phục vợ đi bán một bên thận và được vợ đồng ý. Sau ca ghép thành công, vợ Thắng nhận về 250 triệu đồng để đi trả nợ thay chồng.
Kể từ ngày đó, Thắng lân la ở khu chạy thận các bệnh viện để làm quen với những bệnh nhân có nhu cầu ghép thận để đứng ra làm môi giới.
Ca môi giới đầu tiên vào tháng 3, Thắng bán một quả thận của L.T.K.C. với giá 270 triệu đồng, trả cho C. 240 triệu đồng, Thắng hưởng lợi 30 triệu đồng.
Tiếp đó tháng 7, Thắng môi giới bán một quả thận của người tên T. với giá 290 triệu, T. nhận 260 triệu đồng, Thắng hưởng lợi 30 triệu đồng.
Cuối tháng 10, Thắng liên lạc được với 6 người cần bán thận nên thuê căn nhà số 63/66 đường Ngọc Lâm (quận Long Biên) để nuôi ăn ở trong thời gian chờ thủ tục mua bán thận.
Hầu hết, những người bán thận cho Thắng đều nói giữa người bán thận và Thắng là sự thỏa thuận tự nguyện. Dù biết bán một bên thận sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng nhưng cuộc sống của họ gặp bế tắc, cần tiền để trả nợ nên không còn cách nào khác.