Căn nhà cổ nằm trên phố Hàng Bông (Hoàn Kiếm, Hà Nội) không chỉ là nơi ở của một gia đình ‘tứ đại đồng đường’ gốc Hà Nội mà còn là nét xưa cũ đầy thi vị còn sót lại ở thành phố đông dân này.
Bước qua ngõ nhỏ, sâu hun hút, tôi gặp bà Đào Quý (SN 1947). Người phụ nữ này về đây làm dâu đã gần 50 năm.
Bà là chắt dâu cụ Nguyễn Duy Đạt – kiến trúc sư tham gia xây lăng mộ Hoàng Cao Khải – vị quan triều Nguyễn ở ấp Thái Hà (nay thuộc phường Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội) vào năm 1893.
Tính đến cháu nội bà Quý là thế hệ thứ 6 sống trong căn nhà này. Mẹ chồng bà, cụ Trương Thị Yến đã bước sang tuổi 93. Được biết cụ Yến lấy cụ Nguyễn Duy Cương (cháu nội KTS Nguyễn Duy Đạt).
Mỗi đồ dùng, từ tủ tường, ban thờ, bộ bàn ghế tiếp khách, tràng kỷ… trong nhà đều có tuổi đời khoảng 100 năm, chưa có dấu hiệu hỏng hóc, lớp sơn ngày càng bóng bẩy.
Bên trong căn nhà cổ – nơi gia đình bà Quý sinh sống. |
‘Mẹ chồng tôi là con gái gia đình tư sản Đức Lợi ở 76 phố Hàng Gai, kinh doanh vải vóc, tơ lụa (căn nhà nay đã bán cho người khác nhưng dấu ấn Đức Lợi vẫn còn tồn tại – NV).
Từ nhỏ đã va chạm với thương nghiệp nên cụ rất tháo vát. Sau này còn phụ giúp nhà chồng buôn bán’, bà Yến nói về mẹ chồng của mình, giọng đầy tự hào.
Bà Đào Quý bồi hồi tâm sự về quãng đời làm dâu gần 50 năm của mình. |
Khi bà Quý về làm dâu, bà đã nhận được sự đồng cảm và thấu hiểu rất lớn từ mẹ chồng.
‘Tôi sinh ra ở phố cổ Hà Nội, là con út trong gia đình có 4 anh chị em. Tôi bé nhất nhà nhưng bố mẹ khá khắt khe trong vấn đề dạy dỗ con cái, đặc biệt là việc tề gia nội trợ.
Nhưng đi lấy chồng, tôi cũng mang nhiều nỗi ưu tư. May mắn, nhờ sự cảm thông và lòng nhân hậu của mẹ chồng, mọi lo lắng đều tan biến hết’, bà Quý bộc bạch.
Các vật dụng trong gia đình bà Quý đều có tuổi đời khoảng 100 năm. |
Bà Quý còn nhớ, ‘ngày giỗ Tết, thấy tôi một mình xoay sở với cỗ bàn, nấu nướng, thức khuya dậy sớm, mẹ chồng tôi rớm nước mắt, than thở: ‘Kiếp sau con đừng làm dâu trưởng nữa nhé. Dâu trưởng vất vả quá’.
Sau đó, bằng sự chân tình và tấm lòng yêu thương, san sẻ, suốt nhiều năm trôi qua, mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu của bà Quý với cụ Yến ngày càng gắn bó.
‘Cụ có 3 con dâu, con nào cụ cũng đối đãi như nhau, cư xử lịch sự. Đồ ăn không hợp khẩu vị, cụ chỉ nhắc khéo con là món này hơi nhạt, món kia hơi mặn…
Đặc biệt, vợ chồng các con có mâu thuẫn, cụ gần như đứng ngoài cuộc, không tham dự vào. Như vậy không phải cụ vô tâm mà cụ quan điểm, đó là việc riêng, để các con tự giải quyết.
Trường hợp cần xin lời khuyên, cụ sẽ lắng nghe. Tôi thấy cách ứng xử của mẹ rất văn minh, khéo léo, như vậy không khoét sâu thêm mối bất hòa của con cái. Ngược lại, các nàng dâu cảm thấy được tôn trọng’, bà Quý nhớ lại.
Vợ chồng cụ Trương Thị Yến và các con (bà Quý đứng góc phải ảnh). |
Vợ chồng cụ Trương Thị Yến sinh được 3 người con trai, không có con gái, vì vậy bà Quý luôn coi mẹ chồng như mẹ đẻ. Từ ứng xử, chăm sóc, giữa hai mẹ con không hề có khoảng cách. ‘Tôi mua quần áo, giày dép, bao giờ cũng mua cho cả mẹ chồng và mẹ đẻ’, bà nói tiếp.
Ngoài vun vén nhà cửa, bà Quý thay mẹ chồng dành sự quan tâm cho hai người em trai.
‘Ngày xưa, anh em có khi chung nhau một bộ quần áo mặc đi chơi. Bởi thế tôi cố gắng sắm cho chồng mình cái gì, các em cũng như thế.
Một chú đi bộ đội, khi về nghỉ phép, thăm nhà, tôi lại mua thuốc lá, bánh kẹo cho chú mang lên đơn vị. Các em coi tôi như chị gái, mọi vui buồn, tâm sự đều tìm đến chị hàn huyên.
Tôi nghĩ, mối quan hệ có tốt đẹp hay không còn phụ thuộc vào cả hai phía. Mình cứ sống hết lòng đi, sống bằng cái tâm. Ngược lại, gia đình chồng cũng đối đãi với con dâu bằng sự yêu thương, thì chẳng có va chạm nào là không hóa giải được’, người phụ nữ phố cổ bộc bạch.
Với mẹ chồng là vậy, còn với các em dâu, bà Quý cho hay, đôi khi không hài lòng nhau nhưng 3 chị em chưa bao giờ xảy ra to tiếng, nói sau lưng người này người kia. Bản thân là dâu cả, bà lấy ‘dĩ hòa vi quý’ làm đầu, nhắc nhở mình phải bao dung, độ lượng.
‘Vợ chồng các em tôi sống ở chỗ khác, hiện trong nhà chỉ còn mẹ chồng, vợ chồng tôi, các con và cháu nội.
Hai em dâu tôi khá hiểu chuyện, thân thiết với chị như ruột thịt. Năm em dâu út bị bệnh, nằm viện, tôi đến thay giặt, gội đầu cho em, bác sĩ còn tưởng là hai chị em ruột. Nhà có giỗ chạp, tôi trao đổi về món ăn, tính toán mua bán thực phẩm với 2 em rồi chị em phân công nhau làm’, bà cho biết thêm.
Mặc dù sống giữa khu phố sầm uất, đông người qua lại, con cái đều thành đạt nhưng đến nay gia đình bà Quý vẫn giữ nếp xưa. Mỗi dịp Tết đến, xuân về, đại gia đình cùng tề tựu đông đủ ăn bữa cơm tất niên chiều 30 và có mặt vào sáng mùng 1, chúc Tết người lớn tuổi.
Nhiều thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà, bà Quý và gia đình vẫn cảm thấy vui vẻ, ai nấy đều nhường nhịn, đoàn kết, cùng nhau bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tích cực, thanh lịch, văn minh của người Hà Nội.