Khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM nằm ở phường Linh Trung (Q.Thủ Đức, TP.HCM) và phường Đông Hòa (TX Dĩ An, Bình Dương). Những năm trước, nơi đây hoang vắng. Khi màn đêm buông xuống, tội phạm ra sức hoành hành. Gã giang hồ tiếp tục trải lòng với phóng viên về cuộc đời mình.
Bắt cướp
‘Trong suốt thời gian ở trường bắn, tôi sống với nghề lượm ve chai. Qua Làng Đại học Quốc gia TP.HCM cũng sống bằng nghề cũ. Thời đó, ve chai có giá lắm. Tôi lượm một ngày bán có thể sống được vài ngày.
Mỗi ngày tôi xách bao đi quanh khu vực chỉ một lát là đầy bao. Năm 2004, một hôm trong lúc đang lượm ve chai tôi phát hiện có một cặp nam nữ đang ngồi trò chuyện trong chỗ khuất. Cả hai đang vui vẻ thì bất ngờ từ phía sau, hai thanh niên đánh mạnh vào người nam và bắt người này phải đưa đồ, đưa tiền. Cô gái sợ quá đứng về một phía. Không chần chừ, tôi nhào vô đánh mạnh vào tên cướp. Tên còn lại dùng dao chém vào tay tôi rồi cả 2 tẩu thoát. Cặp nam nữ thoát nạn nhanh chóng bỏ chạy để lại tôi với cánh tay đầy máu’.
Kể đến đây, anh đưa cho tôi xem vết sẹo rồi nói, ‘không phải một vết này đâu. Trên tay, trên lưng, ở chân tôi chi chít vết chém nhưng mà trời thương nên tất cả đều lành nhanh chóng.
Tôi đã giải cứu được nhiều người bị cướp trong các trường hợp tương tự như thế. Đa số đều là sinh viên đưa nhau đến nơi vắng vẻ trò chuyện.
Chiếc giường nơi anh ngủ. Bên cạnh là bằng khen về những việc anh đã làm. |
Một lần khác, trong đoạn đường vắng, 3 thanh niên đi bộ đã uy hiếp, cướp tài sản 2 sinh viên. Tôi phát hiện, chúng hoảng sợ tháo chạy và tôi bắt được một tên giao cho công an.
Nhiều lần như vậy nếu không có tôi, chắc chắn các sinh viên trở thành nạn nhân của chúng. Một trường hợp đáng nhớ nhất cách nay mấy năm, lúc ấy đã 23h tôi đứng ở ngã tư phát hiện có hai tên đi xe chạy về hướng cổng 2.
Phát hiện có một cặp nam nữ đang ngồi tâm sự, một tên nhảy xuống. Ánh đèn của tôi rọi vào làm chúng hoảng sợ bỏ đi, nhưng sau đó, một cặp khác lại lao đến. Một tên nhảy xuống, kề dao vào cổ anh thanh niên. Tên còn lại lục túi lấy tiền và điện thoại.
Tôi nhào tới, không ngờ trên tay hắn có cây súng điện. Hắn chích tôi. Tôi dùng khả năng của mình lôi được hắn đi ra đường. Hắn vùng vẫy rồi thoát được nên chạy mất. Tôi vào bên trong, tên cầm dao sợ hãi vụt chạy bỏ xe lại. Tôi hô hoán nam sinh viên lên xe của hắn chạy ra ngoài báo bảo vệ. Rất đông công an, dân phòng được huy động lùng sục và kết quả, 2 tên bị bắt’, anh Minh nhớ lại.
Anh cho biết, ‘Một ngày của tôi làm việc tới khuya. Bất kể trường hợp nào cầu cứu, tôi đều ra tay giúp đỡ. Tôi chưa từ chối một ai và cũng nhờ vậy mà nhiều người thoát được những chuyện không may. Tôi mong sao cứ được khỏe mãi để có thể giúp được nhiều người. Cũng may, trời nuôi trời dưỡng đến nay tôi chưa lần nào bị bệnh nặng cả’.
Túp lều cô quạnh dưới lùm cây
Chúng tôi hỏi anh Minh, trong đời anh có yêu một cô gái nào không? Không ngập ngừng, anh nói ngay, ‘đến giờ này tôi chưa yêu ai cả’. ‘Anh nghĩ xem, tôi có gì để yêu người ta và người ta yêu tôi. Nhà cửa không, học thức không, tài sản không. Nói chung là tôi không có một điều kiện nào để yêu và được yêu. Thì thôi, một mình hơn 50 năm nay cũng đã sao đâu. Người ta gọi tôi là Minh cô đơn mà’, anh nói, giọng có chút bùi ngùi, chút xót xa.
Chúng tôi đi theo anh để thăm nơi anh ở. Vượt qua gần 300m đường mòn, túp lều của anh ẩn dưới một lùm cây. Gọi là túp lều bởi không còn từ gì để có thể định hình được nơi anh ở. Không cửa nẻo, không tiện nghi. Chỉ một tấm bạt trải dài che cho một chiếc giường bên dưới. Dụng cụ đồ đạc ngổn ngang …
Túp lều của anh Minh. |
Anh cho biết, anh ngụ tại đây đã hơn 5 năm. Chỗ anh ở, nằm cạnh một miếu thờ. Xung quanh hoang vu vắng vẻ và ít người qua lại. Nhưng đêm nào cũng thế, cứ nửa đêm là anh trở về tìm giấc ngủ. Anh nói, anh ngủ rất ngon. Ở đây, không ai phá phách anh cả.
Chúng tôi nhìn bếp của anh. Tro củi vun đầy nhưng một ngày anh chỉ nấu cơm một lần cho cả 3 bữa. ‘Vậy cho tiện anh à. Ăn sao cũng được, miễn qua ngày là vui rồi. Trước đây khi mới về đây cực lắm. Phải góp cả chục tấm áo mưa mới che được chỗ ngủ. Nhóm Kết nối yêu thương đã tặng cho tôi tấm bạt này đó. Nhờ vậy, giấc ngủ ấm hơn’, anh Minh cười nói.
Anh cho biết, anh có 8 bằng khen nhưng vì không có tủ đựng, để ở ngoài nên có cái hư có cái rách. Giờ chỉ còn 2 cái. Chúng tôi nhìn vào. Giật mình, tấm giấy khen của Đại tá Nguyễn Trọng Nghĩa, Giám đốc công an Bình Dương nêu rõ công trạng của anh: Đã có tinh thần dũng cảm truy bắt các đối tượng cướp tài sản tại phường Đông Hòa, TX Dĩ An. Một giấy khen khác của ông Mai Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Phát triển khu đô thị ĐHQG TP.HCM cũng cùng lý do tương tự.
Anh cho biết, anh không có giấy tờ tùy thân, không hộ khẩu, không nhà cửa. Anh chỉ ở trong căn chòi đó hy vọng đến cuối đời. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cũng đã có nhiều quan tâm đến anh. Anh cho tôi xem phát ngôn của Thiếu tá Dương Đình Thanh -Trưởng Công an phường Đông Hòa đăng trên báo Công An TP.HCM ngày 7/6/2019.
Qua đó, Thiếu tá Thanh xác nhận anh là người làm nhiều việc thiện và tích cực đấu tranh chống tội phạm. Anh là một quần chúng năng nổ ở địa phương nên CA phường sẽ báo cáo lên cấp trên để có giải pháp giúp đỡ…
Chiều ngày 30/7/2019, PV báo VietNamNet đã trực tiếp đến UBND phường Đông Hòa với mục đích tìm hiều thêm về trường hợp anh Minh cô đơn. Tại đây, một cán bộ phường cho biết, chỉ có Chủ tịch phường mới được trả lời báo chí nhưng chủ tịch đã đi họp, không có ở cơ quan. Chúng tôi đã để lại câu hỏi. Vị cán bộ này tiếp nhận và hứa sẽ chuyển cho chủ tịch để có câu trả lời sớm nhất.