Từ Hà Nội trở về sau vài ngày trị liệu đau vai, vừa bước xuống xe, bà Đinh Thị Thương (60 tuổi, thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ) tất tả chạy qua căn nhà nhỏ của đứa con nuôi Phạm Văn Hảo (30 tuổi) ở kế nhà mình, đôi dép lê loẹt quẹt cọ vào sân nhà.
“Bừa bộn thế này ế vợ chứ chẳng chơi đâu con ạ!”, miệng vừa nói vừa cười, tay bà xốc mớ đồ để ngổn ngang trên bàn làm việc của con. Nhoắng một cái, mấy chục thớ da bò, da cá sấu – nguyên liệu để Hảo làm đồ da thủ công – đã nằm đúng vị trí. Dũa, đục, kim chỉ… cũng được để lại gọn gàng. Chàng thanh niên chỉ còn nửa thân người ngồi ở góc giường gãi đầu, nói “Thôi ở với mẹ cả đời vậy”.
Bà Thương tìm thấy Hảo khi cậu đang ở bìa rừng chờ chết, và đã chăm sóc cho cậu hơn 7 năm qua. Ảnh: Diệu Nhi. |
Hảo là đứa trẻ mồ côi sống trong một căn lều tạm bợ ở bìa rừng, kiếm sống bằng nghề khai thác đá. Năm 2008, khi 19 tuổi, chân Hảo bị liệt vì đá đè. Cậu nằm trong lều buồn bã chờ cái chết đến dần. Mỗi ngày một lần, người dì ruột mang qua cho một tô cơm để cầm cự. 4 năm trời Hảo sống như vậy, căn lều dần chìm nghỉm trong rừng cây, người địa phương cũng hiếm khi ra vào.
Một buổi chiều năm 2012, bà Thương và chồng Nguyễn Hồng Phấn (63 tuổi) đi tìm lá thuốc. Trời tối mịt, mây kéo đến, họ vội ra khỏi rừng thì nghe tiếng kêu the thé đau đớn. Nghĩ là thú rừng, hai vợ chồng bước thêm vài bước để nhìn thì phát hiện căn lều của Hảo. Nhìn kỹ hơn bên trong, bà Thương không khỏi rùng mình khi thấy một chàng trai hướng đôi mắt tuyệt vọng ra nhìn mình.
“Thằng bé nằm lâu, một phần da thịt bám vào dát giường. Khi tôi lấy bông băng vệ sinh, da thịt bở từng mảng, khiến tôi không thể ngưng khóc”, bà Thương kể. Hai năm sau đó, bà thường một mình đạp xe 8 km lên thăm Hảo, khi thì mang cơm, lúc lại tắm rửa, động viên Hảo cố gắng. “Những trưa hè, mẹ Thương mở radio hát theo điệu dân ca khiến tôi ngủ ngon, quên cả đau đớn”, Hảo nhớ lại.
Một hôm, bà Thương cùng chồng từ căn lều của Hảo về nhà, đến con đường bị sạt lở, bà nhảy phịch xuống xe, nghĩ một hồi rồi nói với chồng “Tôi sợ thằng Hảo nó không sống được qua mùa mưa này. Chúa dạy, cứu một linh hồn còn đáng quý hơn lên thiên đàng. Hay mình cho nó về sống chung?”. Vài phút nhìn nhau,hai vợ chồng nhất trí quay lại chở chàng trai mồ côi đến bệnh viện.
Vài hôm sau, ông Phấn họp gia đình, thông báo nhận Hảo làm con nuôi và mang cậu về ở. 5 người con của ông bà đều vui vẻ chấp nhận. Chưa kịp vui mừng, về nhà mới, Hảo nhiễm trùng, sốt triền miên, ngày nào bà Thương cũng rửa vết loét cả chục lần, miệng bà ghẹo “Anh mà không mau khỏe thì tôi lại lăn đùng ra ốm cho xem!” nhưng mắt rơm rớm, hai mẹ con lại cùng cười.
Một đêm tháng 9/2016, bà gọi chồng dậy, lục lấy cuốn sổ tiết kiệm và tiền mặt để trong chiếc hộp sắt cũ kỹ rồi xin chồng cho Hảo lên Hà Nội chữa trị. Ông Phấn không suy nghĩ nhiều, đồng ý ngay.
“Hảo đến bệnh viện khi đã hoại tử toàn bộ phần dưới bụng, rất hiếm gặp. Tôi rất khâm phục chị Thương vì chịu đựng, chăm sóc cho ca bệnh khó, lại còn là một người xa lạ với mình”, bác sĩ Nguyễn Lâm Bình, Bệnh viện 108, Hà Nội, người trực tiếp điều trị cho Hảo, cho biết.
Suốt 9 tháng sau đó, Hảo chiến đấu với tử thần trong 5 ca mổ lớn nhỏ, còn bà Thương chật vật vượt qua những đêm ngủ ngoài hành lang bệnh viện. Để đỡ tốn tiền, bà sục sạo mọi ngóc ngách quanh bệnh viện tìm nơi có đồ ăn giá rẻ. “Có hôm tôi chỉ tốn 20 nghìn cho cả ngày ăn cơm giữa thủ đô!”, bà hồ hởi kể lại những lần gặp may nho nhỏ. Gặp ai bà cũng bắt chuyện làm quen, chia sẻ chỗ ăn ngon, còn mời về Thái Nguyên ngắm đồi chè nhà mình.
“Từ bệnh viện trở về, vừa mở cửa xe, anh cả và bố đã lật đật đỡ tôi xuống. Chị dâu và em gái hỏi thăm và chúc mừng, ai cũng vui cười, khiến tôi cảm thấy như một gia đình thật sự”, Hảo nhớ lại.
Vượt qua được giai đoạn hiểm nghèo, nhưng Hảo bị cưa tới ngang hông, đi viện nhiều hơn ở nhà. “Mỗi lần từ phòng phẫu thuật ra, người đầu tiên tôi nhìn thấy luôn là mẹ. Lần nào mẹ cũng cười hiền hậu, nắm tay hỏi ‘Còn đau không con’ rồi xoa xoa, nắn nắn”, Hảo nói.
Cửa hàng đồ da thủ công của Hảo đặt tại nhà, được mẹ Thương đầu tư 50 triệu đồng, hoạt động hơn một năm nay. Ảnh: Trọng Nghĩa. |
Chăm cho “đứa trẻ” đặc biệt này, bà mẹ tuổi 60 dần biết truyền nước, tiêm thuốc giảm đau, hay bế bổng cậu lên ghế để khử khuẩn da thịt… Có đợt Hảo sốt cao quá không thở được, nửa đêm bà Thương không nỡ lay chồng dậy, một mình băng đường núi vắng hoe, đi thuê bình oxy nặng hơn 100 kg về cho con. Sáng dậy, ông Phấn biết được la ỏm tỏi, nói vợ coi thường chồng. Bà chỉ cười rồi bảo “Giận hại thận đấy ông ạ!”.
Hảo đã trải qua hơn 10 ca phẫu thuật lớn. Mỗi lần như vậy, bà Thương lại giắt lưng 50-70 triệu lên thành phố cùng con. Không ít lần bà vay mượn, thế chấp sổ đỏ. Là chủ của đồi chè rộng gần một hecta, nhưng bà phải đi làm thuê nhổ cỏ, gieo mạ, gặt lúa cho người trong làng để kiếm thêm thu nhập.
“Thu nhập nhà bà Thương không khấm khá gì hơn người dân trong vùng, làm chỉ đủ ăn, vậy mà bà ấy bất chấp gia cảnh nuôi một người lạ lúc nào cũng chực chờ cái chết, lòng tốt ấy đáng trân trọng”, ông Đồng Quang Nghị, Chủ tịch ủy ban Mặt trận tổ quốc thị trấn Hùng Sơn, chia sẻ.
Hảo thấy xót, bảo mẹ nghỉ ngơi, không cố kiếm tiền chữa bệnh cho mình nữa. Nhưng bà thủng thẳng nói “Vất vả thế nào cũng không bằng nỗi đau của con”.
7 năm qua, những đứa con ruột của bà Thương đã lớn lên, người có gia đình, người tốt nghiệp đại học, đi làm… Nhưng Hảo vẫn chỉ quanh quẩn nơi góc nhà cùng bố mẹ nuôi và những giấc mơ dang dở.
Nhiều lần hai vợ chồng bà Thương ra đường, nghe hàng xóm bảo “Rảnh hơi đi nuôi người dưng, con mình thì không lo chăm”, khiến ông Phấn nổi đóa. Bà Thương chỉ nhẹ níu vai áo, bảo chồng thôi giận, rồi cười xòa “Sức khỏe con ổn là tôi hạnh phúc lắm rồi, quan tâm làm gì người ta”.
Chiếc máy ảnh là người bạn mới của Hảo những lúc rảnh rỗi. Ảnh: Trọng Nghĩa. |
2 năm nay, nhờ tình yêu của bà Thương, Hảo cũng khỏe mạnh hơn, không còn phải nhờ mẹ làm giúp những việc vệ sinh cá nhân. Anh có cái loa nhỏ, thỉnh thoảng lại bật nhạc lên kêu bố mẹ và em gái qua hát cùng trong căn “nhà riêng” dựng tạm kế bên nhà bố mẹ.
Muốn đỡ đần cha mẹ, Hảo tự bắt xe lên Hà Nội học nghề làm da thủ công và mở tiệm nhỏ tại nhà, thu nhập cũng đủ để có bữa cơm ngon. Chiều chiều, anh đi xe lăn qua những cánh đồng để chụp ảnh. “Một lần nữa được gọi cha, gọi mẹ sau những cơn ác mộng của cuộc đời, tôi thấy mình còn hạnh phúc hơn chết đi sống lại”, Hảo bày tỏ.