5 tiếng liền đứng phục kích trước cổng trường THPT T.L.. Vừa đói, vừa lạnh nhưng cả nhóm vẫn yên vị một chỗ, mắt không rời mục tiêu. Mỗi lần nghe tiếng “xịch” chiếc cổng mở, không ai bảo ai đều hướng về phía đó xem đối tượng của mình có ra khỏi trường không.
Chiều hôm trước, “sếp” của đội thám tử gọi điện rủ phóng viên Ngôi Sao cùng tham gia theo dõi một đối tượng nữ sinh trung học. Manager Hạnh thông báo về đặc điểm “nhân vật” cho “thám tử bất đắc dĩ” biết để nắm qua tình hình. Chị Hạnh hẹn phóng viên đúng 6h30 có mặt trên đường Võ Thị Sáu, Hà Nội để cùng các thám tử khác xông pha. Trước khi cúp máy điện thoại, chị còn dặn với “Đến đúng giờ, không sẽ mất liên lạc. Tôi sẽ cho cậu biết người của chúng tôi đứng đâu”.
Một chút tò mò, xen lẫn cảm giác mình được trở thành thám tử khiến tôi thao thức cả đêm không ngủ. Hơn 5h sáng thức dậy, tự chuẩn bị cho mình một chiếc áo ấm vì Hà Nội đã thực sự vào đông; cầm cái máy ảnh cùng quyển sổ ghi chép cá nhân. Mới qua một đêm, chiều hôm trước còn nóng nực, mà sáng hôm sau không khí lạnh giá tràn ngập. Mưa lất phất càng tăng thêm cái lạnh buốt.
Đến nơi hẹn mới chỉ 6h15 vẫn còn dư thời gian chưa đến lúc nhận được mật lệnh từ phía công ty. Trong khi chờ liên lạc lại từ chị Hạnh, tôi tìm một quán nước, uống vài hớp nước chè nóng cho ấm người nhưng vừa uống thì cồn cào bụng vì tôi chưa “súc miệng” thứ gì. Bà bán xôi ngồi bên cạnh đon đả mời nhưng vì không còn thời gian, tôi đành bấm bụng cho qua “tiết mục chào buổi sáng”.
6h30 đúng, điện thoại rung, một nhân viên khác của công ty thám tử bảo có 2 người sẽ dẫn tôi tham gia theo dõi. Người phía kia đầu dây mô tả 2 thám tử gồm một cao, một thấp, đi xe Wave đỏ, biển số… và ăn mặc giống… bác xe ôm. Nhận thông tin xong, tôi ngó vào ngõ, quả thực thấy 2 thanh niên chạc chừng hơn 20 tuổi đang đứng co ro ở đó tự khi nào. Chúng tôi nhanh chóng bắt được tín hiệu của nhau, làm quen qua loa trong 5 phút. Để không gây sự chú ý của dân phố, anh Quang, thám tử thấp hơn người kia nói: “Cậu dựng xe phía kia đường, Thanh (thám tử cao hơn) giả vờ ngồi đợi trước ngõ nhà cô bé”.
Thám tử Thanh đang ngồi dưới hè thì bị nước của chủ nhà tưới cây cảnh đổ rào rào vào người, cũng may là chưa ướt hết quần áo. Anh lại gần chỗ tôi nói khẽ: “Đáng lẽ 6h40, cô bé phải ra khỏi nhà rồi mà giờ này chưa thấy đâu”, rồi anh nhanh chạy sang đường ngồi lên đằng sau xe. Tôi cũng đi chậm lên một đoạn. Đúng lúc này, cô bé đạp xe thong dong từ ngõ ra và đi giữa nhóm chúng tôi. Tôi phải đi chậm lại đến mức có thể và để cô bé vượt lên. Tôi liếc qua khi cô còn đạp xe song song với mình và thấy rõ gương mặt một cô nhóc bé, trẻ con hơn nhiều so với một học sinh lớp 10. Tuy nhỏ nhắn nhưng nét mặt xinh xắn, hiền lành.
Tôi được chị Hạnh cho biết, hồi lớp 9, Hằng học ở một trường danh tiếng trên phố Hàng Bài. Dạo đầu, Hằng học rất giỏi, ngoan ngoãn nhưng đến gần hết năm cuối cấp II, cô bé học sút hẳn và thường bỏ tiết cùng mấy người bạn trong lớp để chui vào quán net chat chít, hẹn hò linh tinh. Bố mẹ làm cả ngày nên không quản lý giờ giấc ở trường của con gái được. Họ không biết chút gì về tình hình con mình tới khi họp phụ huynh cả hai mới ngã ngửa ra, Hằng học lực sút trầm trọng và thường trốn tiết ra ngoài. Ban giám hiệu nhiều lần gửi giấy báo về gia đình nhưng bị Hằng cho vào sọt rác hết, thành ra không một tờ giấy nào đến tay họ. Ngay cả những bản kiểm điểm, cô bé cũng nhờ bạn bắt chước chữ ký bố để nộp cho giáo viên chủ nhiệm. Không còn sát sao với con mình, anh Tùng (bố Hằng) đành thuê thám tử âm thầm “trông nom” hộ con gái lên tới tận lớp 10.
Phố xá đông dần, từng tốp học sinh đạp xe vội vã đến trường. Các công nhân viên chức cũng phóng ầm ầm xe nhanh nhảu tới cơ quan, công ty cho đúng giờ. Cả 3 chúng tôi hòa chung vào dòng người tấp nập nhưng luôn dõi mắt theo đối tượng đang đi phía trước. Giữ một khoảng cách vừa phải, anh Quang có nhiệm vụ giữ tay lái, còn Thanh ngồi đằng sau, người hơi rướn lên cao để không bị che tầm nhìn, tôi cũng bám khá sát cô nữ sinh.
Đến đoạn đèn xanh đỏ, chiếc xe đạp của cô bé vượt qua cùng vài chiếc xe khác khiến anh Quang cũng liều lĩnh len lỏi trong đám đông để vượt theo. Cũng may Hằng đi xe đạp chứ gặp phải đối tượng ngồi xe máy phóng theo kịp sẽ khó và nguy hiểm. Bởi bản thân thám tử luôn ở trong thế bị động, vừa đi vừa nhìn theo, đồng thời phải tránh né xe khác và luôn giữ bí mật. Tất cả những yếu tố này đòi hỏi người thám tử phải biết xử lý tình huống khéo léo, hiệu quả nên rất cần đến kinh nghiệm, nắm rõ địa hình, khả năng phán đoán hành vi của đối tượng.
Nhóm vệ sĩ bất đắc dĩ “hộ tống” Hằng đến khi cô bé vào trong lớp, xong đâu đó, chúng tôi dựng xe trên vỉa hè, đối diện với cổng trường. Trong lúc nhàn rỗi, anh Quang bảo đồng nghiệp đi mua bánh mì kẹp trứng để giải quyết cho cái dạ dày đang biểu tình. Cũng may chỗ chúng tôi “tọa” là vỉa hè của một khu tập thể nên không sợ ảnh hưởng đến ai và có thể đứng cả ngày ở đây. Anh Quang chia sẻ: “Tới một địa bàn nào đó mình luôn phải chú ý đến chỗ vệ sinh cá nhân. Đừng tưởng “giải quyết vấn đề” nó nhỏ mà không quan tâm”. Quả đúng như thế, bản thân tôi đã được chứng thực ngay điều anh Quang mới nói.
Ăn xong cái bánh mì, mỗi người vào quán nước sát đó làm ly chè nóng cho ấm bụng. Uống xong tự dưng thấy “buồn” nhưng lại không có chỗ giải quyết. Theo lời Thanh, tôi chui ngay vào quán net, mất 1.000 đồng ngồi máy và tiện thể “xả” luôn, nhẹ cả người. Lần lượt, 2 thám tử “chính” cũng thay phiên nhau vào… quán net.
8h, chỗ chúng tôi bỗng có 3-4 người dựng xe thành dãy. Hóa ra đây là bến xe ôm. Một bác chừng 45 tuổi “mắt nổ, mắt xịt” vừa chống chân giữa xe máy vừa lườm cả 3 bằng con mắt còn lại. Thám tử Thanh thì thầm: “Ông ấy tưởng “ma mới” chiếm điểm làm ăn này đấy”. Kệ cho mấy bác xe ôm “tưởng tượng và đố kỵ”, nhóm tôi bắt đầu “buôn” chuyện về cô nữ sinh Hằng. Anh Quang kể: “Dạo cô bé còn học lớp 9 một trường THCS trên phố Hàng Bài, bọn tôi đến khổ, bị phạt mất hơn trăm nghìn vì đỗ xe trên vỉa hè. Đang nộp phạt thì Hằng và mấy cô cậu cùng lớp trèo tường trốn ra ngoài để đi chat. Thế là chúng tôi phải “cắm” một người ở lại nộp phạt, còn tôi lẽo đẽo theo nhóm học sinh vào tận quán net. Ngồi sát bên cô bé mới thấy ngôn ngữ chat của nó thật “kinh hồn”, khác xa khi ở nhà”.
Năm nay là hơn 1 năm anh Quang gắn bó với nghề thám tử. Trước khi dấn thân vào nghề này, anh từng trải qua nhiều công việc khác nhau. Học đại học Mỏ Địa chất sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, tốt nghiệp xong anh cưới vợ và có 2 nhóc. Anh bảo rằng, mỗi lần đi công tác xa, có bận nửa tháng mới về, nhớ con lắm nhưng cũng chỉ điện thoại hỏi han. Nghề thám tử có lúc rỗi rãi nhưng cũng khi bận bịu, đang ăn cơm hay nửa đêm rét mướt khi sếp gọi, anh phải lên đường ngay. Vợ hiểu nghề nghiệp anh làm và thông cảm, chia sẻ với chồng phần nuôi nấng con cái nên anh mới sống chết cùng với nghề thám tử.
Đang nói chuyện, một người đàn ông xách ca-táp tiến lại gần bảo tôi chở ra bến xe Giáp Bát và không quên hỏi luôn giá tiền bao nhiêu. Chưa kịp chỉ sang mấy bác xe ôm thực sự bên cạnh thì đã bị họ nhìn bằng ánh mắt “Mày liệu thần hồn đấy, ở đâu mà đứng bến này tranh khách”. Thám tử Thanh vội bảo người thuê sang chỗ các bác. Anh Quang chỉ cười mỉm, kể luôn: “Một lần đứng trên Hàng Bài, bà hàng xóm chỗ tôi đi ngang qua nhìn thấy, đỗ xịch xe vào hỏi tôi mới làm xe ôm à. Tôi gật gù, chị ta bồi tiếp “Chú cho chị số điện thoại, để nếu lần nào nhỡ không đón được cháu (con chị này học cùng trường Hằng), chị nhờ chú chở giúp”. Anh bảo, đó là thành công trong một màn diễn của người thám tử chứ không buồn gì cả.
Qua 9h, 10, 11h, trời càng lúc càng lạnh hơn cộng thêm cơn mưa lất phất. Cả 3 đứng dưới tán cây phượng nên không bị ướt nhưng dường như cái lạnh đã ngấm vào thịt da. Chỉ còn gần 1 tiếng nữa sẽ tan trường. Bụng đói, lạnh buốt đầu nhưng tôi và 2 thám tử vẫn luôn dán mắt vào chiếc cổng sắt, mỗi khi mở xịch ra, không ai bảo ai đều hướng về tiếng kêu đó. Anh Thanh cất cái máy ảnh nhỏ xíu giấu trong lòng bàn tay vì nó không cần đến nữa vì Hằng không trốn học.
Cuối cùng tiếng trống trường vang lên, Hằng được cô bạn đi nhờ xe chở. Đám học sinh tủa ra đông, chật kín cả cái phố nhỏ. Anh Quang “tay lái lụa” len lỏi trong đám đông ấy và luôn bám sát “đối tượng” phía trước. Hằng đưa cô bạn về nhà rồi lững thững đạp xe vào ngõ nhà mình. Đợi một lát, bố mẹ cô bé “nháy máy” hiệu rằng con họ đã về đến nhà. Anh Quang cũng gọi điện báo cáo sếp hoàn thành công việc sáng nay và đồng hồ chỉ hơn 12h trưa.