Triệu phú Gerald McGoey đinh ninh hai ngôi nhà của mình nằm ngoài tầm với của chủ nợ, nhưng mọi chuyện thay đổi khi “thám tử font chữ” được mời tới.
Năm 2017, triệu phú người Canada Gerald McGoey tuyên bố phá sản vài năm sau khi công ty viễn thông của ông ta sụp đổ, để lại khoản nợ 5,6 triệu CAD. Không nỡ rời xa căn nhà bên hồ cùng trang trại nghỉ mát, McGoey trình ra tài liệu cho thấy cả hai tài sản trên từ lâu đã được đưa vào quỹ tín thác dành cho các con nên không còn thuộc sở hữu của mình. Nếu đúng như vậy, McGoey không thể bị chủ nợ bắt bán nhà và trang trại để thanh toán.
Nghi ngờ, luật sư của chủ nợ mời “thám tử font chữ” Thomas Phinney (quốc tịch Mỹ) tới thẩm định văn bản lập quỹ tín thác. Sau khi xem xét, Phinney mau chóng nhận định cả hai văn bản bị làm giả.
Theo Phinney, hai văn bản được đánh máy rồi ký tên xác nhận. Một văn bản cho thấy căn nhà bên hồ được đưa vào quỹ tín thác vào năm 1995, nhưng kiểu chữ mà người soạn thảo sử dụng là Cambria – loại font của Microsoft vốn chỉ được công bố từ năm 2007. Văn bản còn lại về trang trại được soạn thảo bằng Calibri – font chữ chỉ được tung ra rộng rãi cho người dùng từ năm 2007, nhưng ngày tháng ký kết lại vào năm 2004.
Dù vẫn có khả năng McGoey được dùng bản thử nghiệm của font Calibri vì có bạn bè làm việc tại Microsoft, điều này cũng không giải thích được tại sao kiểu chữ của con số trong văn bản lại là phiên bản mới nhất, trong khi tới năm 2005 người thiết kế mới đổi kiểu chữ của con số thuộc font Calibri. Như vậy, hai văn bản trên theo Phinney vốn dĩ không thể được soạn thảo vào ngày tháng ghi trên giấy.
Dựa chủ yếu vào lời làm chứng của Phinney, tòa án nhận định giấy tờ do McGoey xuất trình đã được làm giả để bảo vệ tài sản trước chủ nợ. Quỹ tín thác gồm hai bất động sản của McGoey bị tuyên bố là vô hiệu, theo phán quyết tháng 1/2019 của tòa cấp cao tỉnh Ontario, Canada.
Tự nhận là “thám tử font chữ”, Thomas Phinney là một trong số ít chuyên gia có thể làm chứng trong vụ kiện dân sự và vụ án hình sự để giúp xác minh độ chân thực của tài liệu. Với người bình thường, nếu có chút kinh nghiệm soạn thảo văn bản, họ có thể nhận mặt các kiểu chữ quen thuộc của Microsoft như Times New Roman hoặc Arial. Nhưng chỉ Phinney cùng các “thám tử font chữ” khác mới nắm rõ từng hình dạng và đường nét của mỗi con chữ trong một bộ font.
Công việc của “thám tử font chữ” như Phinney bao gồm việc dùng thước cặp đo đạc chính xác từng milimet, giám định văn bản dưới kính hiển vi và kính lúp, tìm hiểu những thay đổi nhỏ trong hai phiên bản khác nhau của cùng một font chữ, hoặc tìm kiếm chứng cứ cho thấy một mẫu máy in nào đó chưa tồn tại vào thời điểm ghi trong tài liệu.
Phinney ban đầu hoàn toàn không có ý định học để trở thành “thám tử font chữ”. Sau khi nhận bằng thạc sĩ chuyên ngành typography (nghệ thuật sắp đặt con chữ), Phinney chủ yếu tập trung vào thiết kế font. Năm 1991, khi còn làm cho công ty phần mềm Adobe, Phinney thấy trong hộp thư chung có email của luật sư đang tìm kiếm chuyên gia về font để thẩm định di chúc. Trong các đồng nghiệp, Phinney tình cờ là người duy nhất phản hồi.
Ra tòa, Phinney thấy rằng bên cạnh sự sai lệch về font chữ, bản di chúc nghi vấn được đề năm 1983 và có đặc điểm cho thấy được in từ mẫu máy in phun có độ phân giải cao tên Deskjet. Tuy nhiên, bằng kiến thức chuyên môn, Phinney biết rằng mẫu máy in này tới năm 1988 mới được tung ra thị trường. Như vậy, bản di chúc không thể được in ra vào năm 1983.
Sau lần ấy, Phinney kể bị công việc “thám tử font chữ” thu hút nên liên tục chấp nhận lời mời của các luật sư, mỗi lần đều tính phí cao. Từ năm 1999, Thomas Phinney lần lượt được nhiều bên gọi tới làm chứng trong các vụ kiện dân sự và điều tra hình sự, trong đó có Bộ Tài chính Mỹ, báo Washington Post, BBC News,…
Theo Phinney, khoảng một nửa số vụ ông từng tham gia có liên quan tới cỡ chữ theo quy định trên văn bản pháp lý – những chi tiết vốn rất tí hon nhưng lại có thể quyết định công ăn việc làm của những người liên quan hoặc kết quả của những vụ kiện nhiều triệu USD.
Một lần, Phinney từng được mời tới xác thực bằng cấp của giáo sĩ Do Thái giảng dạy tại một trường học trên đảo Long Island, bang New York. Trước đó, để chứng minh năng lực, giáo sĩ đã trình lên bản sao bằng tốt nghiệp được cấp vào năm 1968, tuy vậy hồ sơ lưu trữ của nơi cấp bằng đã bị hỏa hoạn thiêu rụi.
Xem qua bản sao bằng tốt nghiệp, Phinney thấy rằng toàn bộ văn bản được viết tay bằng kiểu chữ thảo bay bướm, duy nhất tên giáo sĩ được đánh máy với font chữ thư pháp. Nhưng theo Phinney, người ta chỉ viết tay bằng cấp trong thời xưa. Từ nhiều thế kỷ trước cho tới nay, văn bằng và các văn bản tương tự đã được chuyển sang in hàng loạt (ví dụ Đại học Harvard bắt đầu in bằng từ năm 1813). Sau đó, tên người nhận mới được viết tay hoặc giập máy vào chỗ trống với kiểu chữ tương tự. Điều này không phù hợp với đặc điểm của tấm bằng khả nghi.
Hơn nữa, font chữ được sử dụng trên bản sao bằng tốt nghiệp được Phinney xác định là Monotype Corsiva – loại font được phát hành từ đầu những năm 1990, trong khi năm cấp bằng là 1968. Bản sao bằng tốt nghiệp vì thế được kết luận nhiều khả năng là giả mạo. Dù vậy, ban giám hiệu nhà trường không có hành động gì hơn do bị giáo sĩ đe dọa khởi kiện.
Phinney cũng có dịp sử dụng kiến thức về font chữ vào năm 2017, một năm sau sự kiện Hồ sơ Panama – vụ rò rỉ tài liệu lớn nhất lịch sử, giúp hé lộ mạng lưới công ty “ma” khổng lồ trên thế giới bị nghi giúp người giàu né thuế hoặc rửa tiền. Tài liệu trong hồ sơ này cho thấy Maryam Nawaz là chủ sở hữu của bốn căn hộ tại London.
Maryam Nawaz sau đó công khai giấy tờ cho thấy mình chỉ là người được ủy thác, chủ sở hữu bốn căn hộ trên thực tế là em trai của Maryam – thương nhân không liên quan tới chính trị. Giấy tờ có chữ ký của hai chị em được ký tháng 2/2006.
Nhưng Phinney cho rằng Maryam đã phạm sai lầm của McGoey khi dùng Calibri để soạn thảo giấy tờ ủy thác, trong khi font chữ này chỉ được tung ra rộng rãi cho người dùng từ năm 2007. Lucas de Groot, cha đẻ của font Calibri cũng đồng ý với Phinney và cho biết đúng là có tồn tại các bản thử nghiệm của font chữ này từ trước năm 2007, nhưng chỉ có người đam mê công nghệ mới dùng tới.
Cuối cùng, tháng 2/2017, luật sư của Maryam thừa nhận trước tòa tối cao Pakistan rằng thân chủ đã sở hữu bốn căn hộ ở London trong ít nhất 6 tháng của năm 2006.
Quốc Đạt (Theo Wired, National Post, JSTOR)
Công ty thám tử Đà Nẵng – Dịch vụ thám tử tư uy tín