Một người mẹ quá bận rộn với việc kiếm tiền đến nỗi không còn nhớ ngày sinh của con trai mình, nghĩ rằng tiền sẽ giải quyết được mọi vấn đề…
Tôi làm nghề tư vấn tâm lý, kiêm dịch vụ thám tử tư đã nhiều năm nay. Có thể nói, trong cái nghề mới mẻ này có những câu chuyện rất khó tin, hoặc vô lý đến tức cười. Ngày mới vào nghề, tôi thường bị ám ảnh về những câu chuyện kỳ lạ đó, nhưng dần dần cũng quen.
Lần ấy, khách hàng của tôi là một phụ nữ, chỉ cần nhìn qua bề ngoài cũng biết thuộc tầng lớp đại gia. Chị yêu cầu tôi đi tìm cậu con trai mới lớn (13 tuổi) đã bỏ nhà đi gần 5 ngày. Những khách hàng như thế không hiếm, tôi đã tiếp rất nhiều, nhưng người phụ nữ này để lại ấn tượng rất kỳ quặc.
Thứ nhất, chị ta không nhớ rõ ngày sinh tháng đẻ của con trai mình. Thứ hai, và cũng là điều quan trọng nhất đối với chúng tôi là bà không có đến một tấm ảnh (hiện nay) của con trai. Thứ ba, chị luôn phàn nàn rằng không có nhiều thời gian dành cho việc này. Nói chung, khách hàng này đến với dịch vụ chúng tôi một cách miễn cưỡng.
Rồi cuối cùng chị nói: “Các anh làm thế nào thì làm, trong vòng ba ngày phải tìm được thằng bé, chi phí hết bao nhiêu không quan trọng…”. Tôi giải thích với chị, việc này không hề đơn giản, để tìm được đứa bé chúng tôi cần rất nhiều thông tin: tính cách đứa bé, bạn bè, các mối quan hệ, sở thích… Nhưng chị phàn nàn: “Tôi không có nhiều thời gian, mà cũng chẳng biết nó có bao nhiêu bạn bè, còn sở thích của nó hình như chơi game thì phải”.
Ngừng một lát, chị rút điện thoại gọi cho ai đó và nói với tôi: “Thế này nhé, chị sẽ giao việc này cho một nhân viên của chị. Cậu ta sẽ có trách nhiệm liên lạc để cung cấp những gì em cần. Chị ít thời gian lắm”.
Cũng rất may cái cậu nhân viên mà chị ta giới thiệu để làm việc với chúng tôi lại khá hiểu biết về cậu ấm đang bỏ nhà. Và cũng rất may cho chị ta, cậu ấm bỏ nhà kia chẳng đi đâu xa, chỉ mải chơi game. Chỉ trong vòng hai ngày, chúng tôi đã lần ra cậu ấm ấy.
Khi tìm thấy cậu bé, chúng tôi mừng rỡ báo tin cho chị ta, nhưng chỉ nhận được câu trả lời lạnh lùng: “Tốt quá, hết bao nhiêu tiền thì nhớ ghi hóa đơn cho đầy đủ nhé”. Một lần nữa tôi thật sự choáng váng với người mẹ kỳ lạ này.
Một thời gian sau, chị ta lại tìm đến chúng tôi và lại phàn nàn rằng, cậu bé bây giờ trở nên lầm lỳ, ít nói, đôi lúc cáu bẳn đập phá lung tung… Chị muốn chúng tôi đưa tư vấn tâm lý đến nhà để chữa trị căn bệnh kỳ quặc đó.
Lần này thái độ của chị có vẻ căng thẳng, lo sợ và khẩn khoản nhờ cậy chúng tôi hơn. Tiếp xúc với cậu bé, tôi nhận thấy đây là một thiếu niên mắc bệnh trầm cảm nghiêm trọng mà căn nguyên của nó không gì khác chính là sự “bỏ rơi” của những người thân trong gia đình (ở đây là người mẹ).
Tôi tìm gặp mẹ cậu bé để tìm cách giải quyết, nhưng cũng như những lần trước, chị vẫn phàn nàn về thời gian rồi ráo hoảnh nói: “Các anh có cách nào thay đổi được nó trong thời gian ngắn nhất không? Chi phí bao nhiêu cũng được…”.
Tôi rất muốn nói rằng, việc này không thể giải quyết bằng tiền, cũng không thể chữa trị như khi người ta đau bụng, cứ uống thuốc là khỏi; việc này cần sự phối hợp của chị và chị là người quan trọng nhất, chỉ có chị mới chữa được căn bệnh của cậu bé – chị là mẹ nó.
Khác với vị thân chủ trước, lần này khách hàng tôi là một bà mẹ dành hơn 100% thời gian cho con cái. Chị nghĩ rằng, với điều kiện vật chất và sự quan tâm đặc biệt, con chị phải trở thành một thiên tài. Oái oăm thay, cô bé mới lớn không những không trở thành thiên tài mà mắc phải chứng bệnh có thể tạm gọi là cận hoang tưởng. Lúc nào cô bé cũng nghĩ mình sắp chết, và trở nên não nề một cách lạ lùng.
Bằng kinh nghiệm, tôi biết ngay việc đầu tiên cần phải giải quyết chính là vấn đề của người mẹ. Tôi khuyên chị nên để cô bé được tự do đôi chút, đừng quan tâm một cách thái quá đến những vấn đề riêng tư của cô bé, chẳng hạn như để cô bé tự do lựa chọn bạn bè. Cũng ngay lập tức chị phản đối: Không thể được, bây giờ ngoài đường rất nhiều chuyện phức tạp, bạn bè nó là ai chị phải biết. Chị sợ lắm. Cái tuổi này chỉ cần lơi lỏng là mất con chứ chẳng đùa.
Như vậy đã rõ, vấn đề ở đây chính là người mẹ chứ không phải cô bé. Tôi phải nói rằng, nếu chị cảm thấy mình đúng còn tìm đến chúng tôi làm gì? Đến nước này thì bà mẹ bướng bỉnh mới chịu xuống nước và thú thật: “Hai hôm trước chị đọc trong nhật ký của nó, thấy nó có ý định tự vẫn… Chị sợ quá. Nghe nói các cậu có dịch vụ theo dõi và quản lý con cái tốt nên chị mới đến…”.
Tranh luận mãi cũng chán, chị dẫn con bỏ đi, không quên buông thêm một câu: “Tưởng các cậu có phương pháp nào hay, chứ thế này thì chán quá!”. Nhìn hai mẹ con họ dắt nhau ra xe hơi, tôi vừa thương vừa giận. Chỉ tội cho cô bé, đáng ra với tất cả những điều kiện vật chất tốt như vậy nó phải hạnh phúc lắm. Chỉ có điều, tham vọng của người sinh ra nó quá lớn.