Theo tài liệu điều tra, do quen biết từ trước, khoảng 7h30 ngày 2/4/2017, T. (SN 3/8/2001), học sinh lớp 10 một trường trung học ở huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai nhắn tin cho thầy giáo Đinh Quang Dân (SN 1980, quê Nghệ An), hẹn xuống phòng của Dân chơi.
Sau khi hẹn, T. đến phòng của Dân ở khu tập thể giáo viên. Khi nữ sinh bước vào phòng, Dân đóng cửa, có cử chỉ thân mật với T.
Thấy nữ sinh không phản ứng, Dân nảy sinh ý định đen tối. Anh ta hôn T., thực hiện hành vi dâm ô… T. đẩy Dân ra, đứng dậy sửa tóc, quần áo, đòi về. Dân đi đến phía sau, ôm T. rồi mở cửa cho học sinh về.
Hôm đó, T. kể lại cho gia đình biết chuyện bị thầy giáo xâm hại. Ngày 3/4/2017, mẹ cô nữ sinh tố cáo hành vi của Đinh Quang Dân.
Kết luận giám định pháp y cho thấy: Cháu T. không bị tổn hại cơ thể. Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt Dân 7 tháng tù về tội “Dâm ô đối với trẻ em”.
Sau đó, Dân kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo. Tòa án cấp phúc thẩm (TAND tỉnh Gia Lai) đã chấp nhận kháng cáo của Dân, sửa bản án sơ thẩm, xử phạt Dân 7 tháng tù treo.
Kháng nghị
Ngày 6/4/2018, Viện trưởng VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị hủy bản án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm vì cho rằng, hành vi phạm tội của Dân phải được xét xử với tình tiết định khung tăng nặng là: “Đối với trẻ em mà người phạm tội có trách nhiệm giáo dục”, quy định tại điểm c, khoản 2, điều 116 BLHS 1999.
Tại quyết định giám đốc thẩm ngày 23/10/2018, ủy ban thẩm phán TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã không chấp nhận kháng nghị của VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng, giữ nguyên bản án hình sự phúc thẩm.
Theo VKSND Cấp cao, Dân là giáo viên bộ môn địa lý của trường, nơi nữ sinh T. học.
Theo quy định tại thông tư 12/2011/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT ban hành thì nhiệm vụ của giáo viên bộ môn là phải bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của học sinh, phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, các giáo viên khác trong dạy học và giáo dục học sinh.
Do đó, với tư cách là giáo viên của nhà trường, Dân phải có trách nhiệm giáo dục tất cả các học sinh của trường, trong đó có T.
Hành vi phạm tội của Dân đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của toàn thể giáo viên nhà trường.
Vì vậy, hành vi phạm tội của Dân phải bị khởi tố, truy tố, xét xử với tình tiết định khung “Đối với trẻ em mà người phạm tội có trách nhiệm giáo dục”, quy định tại điểm c, khoản 2, điều 116 BLHS 1999.
Việc TAND huyện Chư Prông xử phạt Dân 7 tháng tù là không đúng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà bị cáo đã thực hiện.
Bản án phúc thẩm và quyết định giám đốc thẩm áp dụng thêm điểm x, khoản 1, điều 51 BLHS 2015 đối với bị cáo Dân là không đúng vì bố của bị cáo không phải là liệt sỹ; đồng thời cho bị cáo Dân được hưởng án treo là chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh đối với loại tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em đang diễn biến rất phức tạp và được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm như hiện nay.
VKSND Cấp cao quyết định kháng nghị quyết định giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng và bản án hình sự phúc thẩm của TAND tỉnh Gia Lai.
Đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm đối với quyết định giám đốc thẩm của Ủy ban thẩm phán TAND Cấp cao tại Đà Nẵng; bản án hình sự phúc thẩm của TAND tỉnh Gia Lai và bản án hình sự sơ thẩm của TAND huyện Chư Prông theo hướng hủy bản án hình sự sơ thẩm, phúc thẩm và quyết định giám đốc thẩm để điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.