Trên đường Trần Duy Hưng (Hà Nội), chiếc xe Jupiter chở hai cô cậu “chíp hôi” bỗng phanh gấp, trườn lên vỉa hè rồi chui tọt vào một nhà nghỉ. Một vài phút sau, thêm một chiếc xe máy nữa trờ tới, người thanh niên đeo kính đen trên xe lặng lẽ rút trong túi ra một chiếc máy quay nhỏ xíu.
Vừa kín đáo ghi hình, anh ta vừa chép miệng, lắc đầu. Trong hồ sơ báo cáo về công ty của người thám tử tư lại thêm một câu chuyện về các cậu ấm, cô chiêu đưa nhau vào nhà nghỉ.
“Vẫn biết hiện nay chuyện các áo trắng học trò đi vào nhà nghỉ là chuyện khá phổ biến, nhưng mỗi khi lật hồ sơ về học sinh, nghe đến hai chữ nhà nghỉ, tôi vẫn có cảm giác gai gai – anh Nguyễn Minh Long Giám đốc Công ty TNHH Cung cấp Thông tin Việt Nam – một công ty thám tử lâu đời nhất tại Việt Nam cho biết: Gần đây, số hợp đồng của các phụ huynh về quản lý giáo dục trẻ em vị thành niên ngày một nhiều hơn.
Đối tượng chủ yếu là học sinh, trong đó có cả các cô cậu từ lớp 10 đến lớp 12. Có một thực tế đáng buồn là, trong hồ sơ báo cáo của các thám tử, dù liên quan tới nghiện hút, lô đề, cắm ký, lập bè nhóm đánh nhau hay yêu đương bạt mạng…, hơn 90% số cậu ấm cô chiêu được theo dõi ấy đều từng vào nhà nghỉ”.
Học trò qua con mắt các thám tử
Người thanh niên đi theo, ghi hình ảnh hai cô cậu học trò vào nhà nghỉ bên đường Trần Duy Hưng là một thám tử của Công ty TNHH Cung cấp Thông tin Việt Nam (VDT) đang thực hiện nhiệm vụ.
Một bà mẹ ở quận Thanh Xuân bỗng thấy đứa con trai mới học lớp 11 của mình có những biểu hiện giờ giấc sinh hoạt thất thường, tiêu tiền nhiều hơn, không còn hồn nhiên, ngoan ngoãn như trước nữa thì lo lắng lắm. Bà bèn tìm đến văn phòng thám tử và nhờ điều tra, tìm hiểu nguyên nhân xem cậu ấm của bà có nghiện ngập gì không. Bên cạnh đó, bà còn một nỗi lo nữa, chuyện yêu đương nhố nhăng quá sớm sẽ ảnh hưởng tới sự hình thành nhân cách và việc học của con trai mình.
Theo lời kể của bà mẹ, một hôm cậu con trai dẫn về nhà một cô bạn gái, nói là bạn học cùng trường. Cô bé có vẻ còn ít tuổi hơn cậu, “ăn mặc thì lòe loẹt như vẹt Hồng Công, tóc tai rũ rượi như người say rượu”, nói cười oang oang, bá vai khoác tay bạn trai rất tự nhiên trước mặt người lớn.
Điều khiến vợ chồng bà ngạc nhiên nhất là sau câu “chào hai bác”, cô bé chui tọt vào phòng ngủ của bạn trai và đóng cửa, ở lỳ luôn trong đó. Không phải một mà khá nhiều lần chuyện xảy ra tương tự, bọn trẻ cứ đóng cửa phòng im ỉm, chẳng biết làm gì trong đó.
Tôn trọng sự riêng tư của con cái, nhưng trong đầu bà cũng xuất hiện một dấu hỏi về sự quá giới hạn của tình bạn trong sáng. “Ở nhà còn vậy, không biết ra đường chúng còn thế nào? Không chừng lại nghiện hút rồi cũng nên” – Bà mẹ than thở.
Các thám tử vào cuộc. Sau nhiều ngày theo dõi, họ thấy cậu bé vẫn đi học, chỉ thỉnh thoảng bỏ học đi chơi bi-a và cuối chiều hay ngồi quán nước chăm chú “ngâm cứu” thơ đề. Cô bạn gái hay đến nhà cậu chơi đúng là người yêu của cậu, vì thỉnh thoảng lại thấy cô cậu dắt nhau vào nhà nghỉ ở ngã tư Vọng “tâm sự”. Mỗi lần hai cô cậu này đi chơi bi-a thường có thêm một cậu bạn nữa, lúc thì gặp nhau tại quán, lúc thì cả ba ngồi chung xe máy đến chơi.
Nhưng các thám tử không khỏi ngạc nhiên khi thấy cô bạn gái và cậu bạn kia cũng rất thân mật, nhiều lần đi chơi riêng và… vào nhà nghỉ với nhau. Hai cô cậu vào nhà nghỉ bên đường Trần Duy Hưng nói đến ở trên, chính là hai cô cậu này. Có nghĩa là, cô bé “yêu” và vào nhà nghỉ với cả hai người bạn thân của nhau!
Bà mẹ tội nghiệp tỏ ra rất sốc khi xem băng ghi hình và ảnh chụp về mối quan hệ tình cảm không giống ai của ba đứa trẻ này. Lo sợ những ảnh hưởng không tốt cho con trai mình, bà đồng ý thực hiện lời tư vấn của các thám tử: Một buổi chiều, người bố “tình cờ” đi ngang qua, bắt gặp cậu con trai đang dạng chân bên quán nước, ngâm cứu thơ đề. Từ những khuyên giải của bố về chuyện cờ bạc, rồi thêm những nhắc nhở về chuyện yêu đương sao cho nghiêm túc, cậu bé đã được đưa khỏi bến mê.
Trong một trường hợp khác, những thước phim làm hồ sơ của các thám tử lại có sự liên quan giữa học sinh và nhà nghỉ. Đáng chú ý hơn, cậu học sinh này vào chung phòng nhà nghỉ cùng một “bầy” cả nam lẫn nữ và đều đang trong tình trạng “phê” tài mà.
Đó là X., học sinh Trường THPT Trần Phú, cậu ấm của một gia đình buôn bán khá giả, có mấy cửa hàng lớn ở quận Hoàn Kiếm. Ông bố của X. là cựu chiến binh, nên từ lâu đã áp dụng kỷ luật quân đội vào việc rèn giũa con cái. Người chị gái lớn khá ngoan hiền, đã tốt nghiệp đại học và lập gia đình, hiện vẫn đang giúp đỡ bố mẹ trong việc kinh doanh.
Cậu út vốn cũng ngoan, nhưng thời gian gần đây bỗng đổi nết, thay vì ngồi sau xe để bố đưa đón, cậu đòi mua xe máy xịn để tự đi đến trường, đòi điện thoại di động xịn để trao đổi bài vở với bạn bè. “Cấm đoán mãi có lẽ không ổn, biết đâu con nó sẽ buồn vì bạn bè xa lánh. Thôi cứ thử chiều chuộng nó xem có khác không?” – Bố mẹ X. bàn nhau.
Từ ngày có xe, có thêm tiền tiêu vặt, số bạn mới của X. quả có nhiều hơn, nhưng thường thậm thụt trước ngõ hay léo nhéo qua điện thoại rồi ào ào kéo nhau đi, chứ không vào nhà chơi như trước. Bố của X. thử theo dõi đồng hồ xe, thấy có một buổi chiều đi học của con mà côngtơmét vọt lên thêm hàng chục cây số.
Chưa thấy X. xin đi chơi qua đêm, nhưng những lần đi chơi tới 11-12h đêm thì ngày càng nhiều hơn. Chỉ đến khi các thám tử đưa cho gia đình những hình ảnh là bằng chứng về việc cậu và nhóm bạn sử dụng tài mà trên phố Trấn Vũ, rồi cả nhóm nam nữ kéo nhau vào một phòng của nhà nghỉ ở Gia Lâm thì bố mẹ X. mới tá hỏa.
Tuy đã kết thúc hợp đồng, nhưng trong hồ sơ của các thám tử vẫn còn một dấu hỏi khuyên đỏ: Gia đình tuy ngay lập tức chỉnh đốn cậu quý tử vì chuyện sử dụng ma túy, nhưng có vẻ bình thản trước việc đứa con chưa đầy 18 tuổi của mình sinh hoạt thác loạn kiểu “bầy đàn” tại nhà nghỉ.
Ấn tượng nhất đối với anh Nguyễn Minh Long có lẽ là chuyện một cô bé, tuy mới học lớp 8, nhưng đã có gần một tháng trời phiêu dạt ở các nhà nghỉ của 3 thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng. Cô bé ấy mồ côi cha, sống với mẹ, dáng người gầy, nhỏ, mặt mũi non choẹt, mái tóc mỏng để xõa ngang vai.
Mỗi lần dỗi mẹ, em hay bỏ sang nhà bạn bè, có khi ở lại một vài hôm, nhưng người mẹ đầu tắt mặt tối lo toan cơm áo, không để ý lắm. Nay thấy con bỗng vắng nhà đến hai tuần, hỏi mấy đứa bạn thân trong lớp cũng chẳng thấy đâu, bà mẹ mới đến công ty nhờ tìm con hộ.
Biết cô bé hay chat, các thám tử cầm tấm ảnh của em, bí mật điều tra ở một số quán net quen và những tụ điểm net lớn ở Hà Nội, nhưng vẫn bặt vô âm tín. Thỉnh thoảng nickname của cô bé cũng sáng đèn, nhưng những thông tin thu lượm được cũng không đáng kể, rất khó hình dung cô bé đang ở đâu. Việc lắp đặt hệ thống hiển thị số vào điện thoại gia đình được kết hợp, cuối cùng các thám tử đã xác định được cô bé đang ở Đà Nẵng.
Một nhóm thám tử ngay lập tức khăn gói lên đường, sau mấy ngày tìm kiếm, phát hiện tiếp xúc được với cô bé. Cô đang sống cùng bạn trai tại một nhà nghỉ.
Theo lời kể của cô, trong một lần chat, có quen và hẹn gặp với T., học sinh “lớp 13”, người Hải Phòng. Qua chat, T. rủ cô đi chơi, về muộn, cô đành cùng T. và một người bạn khác thuê nhà nghỉ để ở, cả ba cùng ở một phòng nhưng không có chuyện gì xảy ra.
Hôm sau, T. rủ cô bé về nhà mình ở Hải Phòng, nhưng không đưa cô bé về nhà mà thuê nhà nghỉ để ở cùng cô bé. Sau ít ngày, cô bé muốn về, nhưng T. không cho về. Phần vì không có tiền, lại bị dọa nạt, cô bé đành theo T. đi vào tận Đà Nẵng. Lại một chuỗi ngày sống trong các nhà nghỉ. Tiền hết, cả hai phải bán cả đồng hồ, điện thoại di động, dây chuyền… để lấy tiền chi phí, nhưng T. vẫn không cho em về.
Với sự trợ giúp của các thám tử, rồi cô bé thân hình phờ phạc, xơ xác và ánh mắt luôn lo lắng, sợ hãi cũng đã trở về nhà. Người mẹ nghèo lặng lẽ đưa con đi đến cơ sở y tế thăm khám, chạy chữa, hai hàng nước mắt cũng lặng lẽ chảy ngược vào lòng.
Một buổi sáng đầu thu, có hai chị em gái rụt rè tìm đến văn phòng thám tử. Trong lúc trao đổi với chị Hương, cô gái tên H. có dáng vóc mảnh mai, mặt hiền trắng trẻo, tóc ngang vai xoăn tỉa, luôn khóc rất nhiều và tỏ ra rất hoang mang, hoảng sợ.
Thì ra cô học trò này vốn gặp và yêu đương với một sinh viên khi cả hai gặp nhau trong lớp tiếng Anh buổi tối. Tình cảm dần thân mật, trong một vài lần hẹn hò, chàng sinh viên có đưa cô vào nhà nghỉ. Chỉ đến khi anh ta công khai đem hêrôin ra hít và rủ cô dùng thử, cô bé mới giật mình. Cô đề nghị chia tay, anh ta chấp nhận.
Nhưng chỉ ít ngày sau, anh ta lại hẹn gặp và đưa cho cô xem những thước phim quay lén cảnh hai người quan hệ với nhau, đe dọa sẽ gửi phim và ảnh đến cho gia đình và bạn bè cô, nếu cô không “xòe” ra 5 triệu đồng. Cực chẳng đã, cô bé đành tìm nhiều cách như lén bán nữ trang, vay mượn bạn bè, xin anh chị…, dồn lại cho đủ số tiền đó.
Những tưởng đã xong, sau một thời gian, gã “Sở Khanh” lại tiếp tục gọi điện thoại đe dọa và đòi một số tiền lên đến 30 triệu đồng, nếu không sẽ đưa hình ảnh lên mạng. Cô bé tuyệt vọng, đành thú thật với người chị dâu của mình, bởi cha mẹ cô là những người rất nghiêm khắc. Người chị dâu bình tĩnh đưa em đến với các thám tử, tìm cách khắc phục hậu quả của những lần dại dột theo bạn trai vào nhà nghỉ.
Áo trắng vương bụi đời
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có khoảng gần 2.000 khách sạn mini, nhà nghỉ, nhà trọ bình dân đang hoạt động, chủ yếu là các nhà nghỉ tư nhân, tập trung đông ở các các tuyến phố như đường Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Quốc Việt, Trần Duy Hưng, Phạm Văn Đồng, Giáp Bát… Nhà nghỉ, vũ trường, quán bar, quán karaoke, quán Internet, hiệu gội đầu cắt tóc thư giãn… là những ngành nghề kinh doanh nhạy cảm, dễ bị lợi dụng để xảy ra vi phạm pháp luật.
Theo Phòng Cảnh sát điều tra về trật tự xã hội (PC14), Công an Hà Nội, qua một số vụ án mà đơn vị này đã khám phá trong thời gian gần đây thì tình trạng các bạn trẻ vị thành niên bỏ nhà đi hoang, dắt díu nhau vào nhà nghỉ để tụ tập, chơi bời và quan hệ tình dục đã không còn là cá biệt.
Có những trường hợp, các em quen nhau qua chat, chưa biết mặt nhau, nhưng chỉ cần một lời hẹn trên mạng là đã có thể offline để cùng nhau vào nhà nghỉ. Có thể kể đến vụ án hai cô bé N.T.H (17 tuổi) và T.T.M. (14 tuổi) đã bị các đối tượng Hà Minh Tân, Doãn Việt Huy, Phạm Giang Nam, Đặng Hồng Phúc và Phan Thùy Nhung đưa vào nhà nghỉ làm nhục. Do chat đêm, không có tiền trả (chỉ 24.000 đồng), hai cô bé được Hà Minh Tân cùng đồng bọn “cứu net”, rồi rủ đi chơi. Tại nhà nghỉ Hoàng Cầu ở Ô Chợ Dừa, H. và M. đã bị cả bọn thay nhau làm nhục.
Em H. (được bố đi cùng để giám hộ) xuất hiện tại tòa với một bộ trang phục quần lửng, áo hở tay, khoét cổ và bộ móng chân sơn đỏ chót. Và đáng buồn hơn nữa, cả hai bị hại mới 14 và 17 tuổi này, theo kết quả giám định pháp y, đều đã thành đàn bà từ trước khi vụ án xảy ra.
Học sinh là đối tượng còn đang phụ thuộc và chịu sự quản lý trực tiếp của gia đình, nên khi muốn “tâm sự” cùng bạn, các cậu ấm cô chiêu chỉ có thể đến một nơi nào đó, không phải là nhà mình. Nhà nghỉ có thể là địa chỉ lý tưởng nhất, tiện nghi tương đối, bố mẹ không ngờ tới, nhưng tiền đâu để học sinh có thể thường xuyên thuê nhà nghỉ? Rồi những cuộc chơi hoành tráng trong các nhà hàng, vũ trường, quán bar, những canh bạc lớn, những chuyến du hý…, khiến người ta không thể đặt vấn đề lũ trẻ lấy tiền ở đâu ra mà nhiều thế?
Không ít những trường hợp, các em học sinh đã lừa dối cha mẹ khi xin tiền đóng học, trộm tiền hoặc lấy đồ đạc của gia đình đem bán, cầm đồ. Đã có những vụ cướp của giết người tàn bạo mà thủ phạm là những thanh thiếu niên đang ở tuổi cắp sách tới trường, mà các đối tượng khai là để lấy tiền ăn chơi và đi nhà nghỉ.
Điển hình là vụ cướp 3 taxi trong vòng 48 giờ của nhóm cướp Tuấn, Dũng, Huy và nữ sinh Lê Như Quỳnh. Sau khi sắm được đôi dao chọc tiết lợn, cả nhóm tụ tập ở nhà nghỉ Thế Hệ Mới (Gia Lâm) để ăn chơi. Hết tiền, chúng đặt xe máy, ăn chơi tiếp. Thêm một ngày ăn chơi, hết tiền, cả bọn ngược về Hà Nội với quyết tâm kiếm tiền bằng được, kể cả giết người, chúng đã phải ra đứng trước vành móng ngựa.
Không một giọt nước mắt ăn năn. Những khuôn mặt non nớt cùng trang phục nhố nhăng, đầu tóc xanh đỏ của bạn bè các bị cáo tại phiên tòa xét xử khiến những người chứng kiến không khỏi ái ngại về một thực trạng buồn của lứa tuổi học sinh.
Hình ảnh những áo trắng học trò đưa nhau vào nhà nghỉ là một cảnh báo về hiện tượng suy thoái đạo đức trong một bộ phận thanh thiếu niên hiện nay, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ dẫn đến các tệ nạn xã hội.
Có rất nhiều nguyên nhân, có thể kể đến là sự buông lỏng quản lý, kiểm soát của các bậc phụ huynh đối với con cái mình và tác động khách quan của môi trường xã hội. Nhưng trước hết, tự thân giới trẻ phải xác định được cho mình một lý tưởng sống lành mạnh, phù hợp với lứa tuổi học đường