Đến văn phòng công ty thám tử hôm nay là người đàn ông tầm thước, tuổi ngoại tứ tuần nói giọng Nam bộ với vẻ lo âu hằn trên nét mặt.
Bóng đen và những lá thư ma
Ông xưng là Võ Văn Chương, trưởng văn phòng đại diện Hà Nội của một công ty tư nhân chuyên nhập khẩu và phân phối máy công nghiệp nặng, trụ sở chính ở miền Nam.
Ông nói đang bị khủng bố, đe dọa và theo dõi ráo riết từ ba tháng nay. Kẻ khủng bố trực tiếp gặp mặt, gọi điện, viết giấy ném vào nhà và gửi thư qua bưu điện đe dọa ông. Ông Chương cảm giác thường xuyên có kẻ bám sát mình mỗi khi ông ra khỏi nhà.
Ông Chương cho biết nơi ông làm việc là ở phường Láng Thượng (quận Cầu Giấy, Hà Nội), nơi ông sống là một căn nhà ở phường Kim Giang (quận Thanh Xuân). Sống cùng ông là một cô gái tên Kim 27 tuổi, quê ở Bắc Ninh, làm nghề tự do, ông quen và yêu Kim từ ngày ra Hà Nội công tác (ba năm trước). Căn nhà được ông thuê từ khi có quyết định sống chung với Kim. Ông và Kim đều chưa có gia đình riêng. Hai người ở với nhau hòa hợp, chân thành và hoàn toàn vì tình cảm.
Văn phòng công ty ông Chương có 11 nhân viên đều là người miền Bắc, ông quan hệ với tư cách đồng nghiệp. Ở đây ông còn một người bạn thân tên Học đang làm phó văn phòng và cũng từ miền Nam ra. Hai người kết bạn từ thuở hàn vi, hợp tác chân thành và không đố kỵ. Ngoài ra, tất cả các mối quan hệ xã hội khác của ông Chương đều đơn thuần vì công việc.
Trong kinh doanh thì văn phòng của ông gần như không có đối thủ vì những đơn vị hoạt động cùng lĩnh vực ở Hà Nội rất ít và đều nhỏ bé, không có sức cạnh tranh với công ty ông. Các đối tác phần lớn không ở Hà Nội và số còn lại không có khả năng xung đột quyền lợi… Tóm lại ông không đoán ra kẻ thù của mình có thể thuộc dạng nào và vì sao lại ghét mình. Thế nhưng sự khủng bố, đe dọa ngày một gia tăng cả về tần số lẫn mức độ gay gắt… Người được giao nhiệm vụ giúp ông Chương là thám tử Hùng.
Không có cơ sở để phán đoán kẻ khủng bố quan hệ với ông Chương ở lĩnh vực gì, Hùng tập trung nghiên cứu hành vi, cách thức khủng bố của họ. Ông Chương cung cấp: lần khủng bố đầu tiên xảy ra chừng 7g tối. Trời nhá nhem, ông Chương từ văn phòng về bằng xe ôm. Đến đầu ngõ, ông xuống xe đi bộ về nhà. Từ trong ngõ có một người đi xe máy phóng ra ép ông vào tường. Hắn dừng xe, ghé vào tai ông rít lên qua kẽ răng, nhỏ nhưng rành rọt: “Mày cuốn xéo khỏi Hà Nội ngay!” và phóng đi luôn. Đó là người đàn ông to đậm, râu quai nón, đầu trọc, hung dữ, chừng 30 tuổi.
Lần thứ hai là qua điện thoại nhà riêng. Người gọi đến xin gặp ông và cũng chỉ nói một câu: “ Mày phải cút khỏi Hà Nội ngay”. Lần thứ ba là vào buổi sáng sớm, khi ông dậy tập thể dục thì thấy một mảnh giấy nhét vào khe cửa, viết: “Không biến khỏi Hà Nội thì mày khốn đấy!”. Giấy viết chữ in, cỡ to và có vẻ cố nguệch ngoạc.
Sau ba lần nhét giấy qua khe cửa cũng một nội dung như vậy thì kẻ khủng bố chuyển sang gửi thư qua bưu điện. Dấu bưu cục đóng trên bì thư có địa chỉ ở Hà Nội. Nội dung cũng tương tự những thông điệp trước. Thư viết chữ in cỡ to, có vẻ viết bằng tay trái hoặc cố tình viết khác thường. Từ đó đến nay thông điệp của kẻ khủng bố đều là gửi thư qua bưu điện, nội dung không khác những lần trước…
Hùng nhận định: kẻ khủng bố ngày một khôn ngoan, kín đáo hơn trong hành vi của mình. Nghiên cứu về ý đồ thủ phạm qua nội dung thư, Hùng kết luận: đây không phải là chuyện nợ nần hay cay cú vì tiền bạc, vì không ai lại đuổi con nợ của mình đi cả. Đây cũng rất khó là chuyện mâu thuẫn trong kinh doanh vì những chiến lược phát triển là do lãnh đạo công ty quyết định.
Hơn nữa nếu khủng bố để ông Chương “cút khỏi Hà Nội” thì lại có người khác lên thay. Mặt khác, nếu vì cạnh tranh kinh doanh thì hình thức này rất kém hiệu quả. Đây có thể là chuyện tình cảm, địa vị xã hội hoặc tranh chấp tài sản. Các đối tượng được khoanh vùng là cô Kim, ông Học (phó văn phòng) và những người hàng xóm.
Dấu hỏi bên kia bờ rào
Ông Chương chỉ có một người hàng xóm sát vách, thỉnh thoảng chào hỏi xã giao. Ông thường đi làm từ 7g đến 18g mới về nhà. Thời gian chạm mặt với hàng xóm rất ít. Hai nhà kín cổng cao tường và không chung đụng thứ gì. Từ ngày chuyển về đây hai bên không một lần va chạm. Tóm lại ông không có mâu thuẫn với họ.
Hùng hỏi: “Từ khi đến đây ông đã từng nói chuyện gì với họ?”. Ông Chương nhớ có một lần bà vợ hàng xóm nói rất thích căn nhà ông… Hùng giật mình: “Nhưng đó là nhà ông thuê cơ mà?”. Ông Chương lúng túng: “À, xin lỗi anh, thật ra đó là nhà tôi mua từ khi muốn ở riêng với cô Kim”.
“Tại sao bà ta lại thích nhà của ông?”. “Vì nhà tôi liên tục lên giá. Nhất là khi có tin sẽ mở thêm một ngõ phố rộng chạy sát đầu hồi nhà tôi, lúc đó căn nhà sẽ có hai mặt tiền. Nhà hàng xóm cũng biết tôi ra Hà Nội công tác một thời gian rồi sẽ về nên họ dặn nếu bán nhà thì ưu tiên cho họ”. “Vậy ông đã nói gì với họ?”. “Tôi cũng chỉ hứa chung chung rằng nếu có nhu cầu đó, tôi sẽ nhớ đến họ. Câu chuyện đó được nhắc đến hai lần, ngắn gọn trong những lúc chào nhau xã giao…”.
Gia đình hàng xóm gồm hai vợ chồng tuổi ngoài 50 và hai con gái đang học phổ thông. Nhà họ trông vào nguồn thu chủ yếu từ quán cà phê, giải khát mở tại nhà. Dân trong ngõ này hầu hết là giới lao động và tiểu thương. Từ khi có tin mở ngõ mới đã có một số người hỏi mua nhà ông Chương, trong đó có gia đình hàng xóm…
Đến đây Hùng rút ra hai vấn đề: thứ nhất, ông Chương còn nhiều uẩn khúc không nói với thám tử, có nghĩa là thông tin và nhận định của ông ta đưa ra chưa thể tin cậy; thứ hai, thủ phạm khủng bố là nhà hàng xóm là có cơ sở. Nếu xét theo nhận định ban đầu về nội dung và cách thức khủng bố thì suy đoán này cũng có logic.
Để biết rõ hơn, Hùng phải dùng “thuốc thử” với đối tượng nghi vấn.
Kế hoạch là ông Chương sẽ cho hàng xóm biết tin: công ty trong Nam có kế hoạch rút ông về. Ông rất muốn về nhưng họ chưa thực hiện kế hoạch này nên ông chán nản và sốt ruột… Kế hoạch này tinh tế ở chỗ ông Chương chung nguyện vọng với nhà hàng xóm là: đi khỏi Hà Nội. Nhưng vì lý do khách quan ông chưa đi được. Tuy nhiên vướng mắc đó rất có hy vọng tháo gỡ.
Trong hoàn cảnh này nếu nhà kia có tâm địa “đuổi” ông Chương, họ sẽ hùa vào cùng bàn phương án tháo gỡ với ông. Khi mục đích khủng bố ông Chương là để ông Chương “không muốn ở Hà Nội” đã đạt được thì chắc chắn họ sẽ không khủng bố nữa mà xoay sang chiêu thức khác. Hoặc ít ra Hùng cũng có thể đo được phản ứng nào đó của gia đình này.
Tiến hành: một buổi sáng chủ nhật, ông Chương dậy muộn và sang quán cà phê nhà hàng xóm uống nước. Sau một vài câu chuyện xã giao không dính dáng tới nhà cửa hay công tác, chọn lúc vắng khách nhất thì điện thoại di động của ông Chương đổ chuông. Ông bấm máy nói chuyện với đầu dây bên kia như với một người bạn. Câu chuyện của ông xoay quanh nội dung: ông khó chịu với thời tiết, món ăn, lối sống… của Hà Nội và một số vướng mắc khó nói khác. Ông rất muốn về Sài Gòn.
Công ty của ông cũng có kế hoạch rút ông về từ lâu nhưng không biết họ còn chờ gì nữa mà chưa thực hiện. Ông chán ngán Hà Nội lắm rồi… Sau cuộc thoại rất sôi nổi như để giải tỏa đó, ông Chương thở dài ngao ngán và than vãn mấy câu bâng quơ. Vợ chồng chủ quán thấy người hàng xóm có tâm trạng cũng đến bắt chuyện chia sẻ. Bà vợ đon đả hỏi thăm quê quán, công việc của ông Chương và nói tiếp một câu nhẹ nhàng: “Nếu có bán nhà thì anh gọi chúng tôi nhá!”. Ông chồng thì không nói gì.
Nghe lại băng ghi âm và qua mô tả của ông Chương thì Hùng thấy thái độ gia đình này rất bình thường, không thể hiện gì lạ. Sau lần trao đổi đó, nhà hàng xóm không có vẻ gì săn đón ông Chương. Đặc biệt là những lá thư khủng bố vẫn gửi đến đều đều và nội dung không thay đổi. Hùng tạm kết luận: nhà hàng xóm “trong sáng”!
Lúc này, ông Chương lại nhận được một lá thư có nội dung mới: “Không biến khỏi Hà Nội thì mày sẽ mất tất cả!”. Hùng cho rằng đây là chuyện bình thường. Vì theo qui luật tâm lý, kẻ khủng bố đã tăng “đô”. Tuy nhiên, điều Hùng rất mừng là với thông điệp này có thể hiểu kẻ khủng bố không có ý định đe dọa tính mạng ông Chương.
Nhưng, mất tất cả! Vậy ông Chương đang có những gì và có thể mất gì? Đó là hướng mới cho thám tử Hùng khai thác ngày mai.