Hôm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ sẽ nhấn nút khai trương hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (E-Cabinet).
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng khẳng định với báo chí, E-Cabinet thể hiện mục tiêu tiến tới Chính phủ không giấy tờ.
Giảm 30% thời gian họp hành
Các thành viên Chính phủ sẽ trao đổi với nhau trên nền điện tử. Trước phiên họp Chính phủ, các thành viên có thể truy cập hồ sơ, tài liệu, đưa ra quan điểm và trao đổi ý kiến.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: Nhật Bắc |
Những vấn đề còn ý kiến khác nhau được trao đổi trước sẽ giúp giảm đáng kể thời gian họp. Ngoài ra, thành viên Chính phủ vắng mặt tại phiên họp vẫn có thể tham gia ý kiến và biểu quyết điện tử thông qua thiết bị di động.
“Việc triển khai E-Cabinet sẽ giúp tiết kiệm về thời gian, chi phí và minh bạch mọi thông tin trao đổi. Mục tiêu cụ thể là giảm thời gian các phiên họp Chính phủ, phấn đấu đến hết năm 2019 giảm 30% thời gian họp so với trung bình các năm trước”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay.
Thay đổi hẳn tư duy
Thủ tướng và Bộ trưởng từng nhiều lần nhấn mạnh việc cán bộ phải từ bỏ lợi ích cục bộ, đặc quyền đặc lợi, từ bỏ thói quen xử lý hồ sơ trên giấy tờ. Nhưng vấn đề là làm sao để thay đổi tư duy vốn đã ăn sâu vào trong nếp nghĩ, nếp làm của các bộ ngành?
Đây là yêu cầu rất cao. Cải cách này thay đổi hẳn tư tưởng, tư duy, cách nghĩ và cách làm lâu nay. Thay vì cứ phải gặp người dân, DN và yêu cầu họ nộp hồ sơ, phải đi lại nhiều lần thì nay làm trên nền điện tử hết.
Nhưng để làm được điều này, chúng ta phải đối mặt với nhiều khó khăn. Khách quan là về công nghệ thông tin, trình độ của chúng ta còn có mức độ, tiếp xúc với cái mới chưa nhuần nhuyễn, tinh thông. Vì vậy nhiều cán bộ, công chức rất ngại tiếp xúc với công nghệ thông tin.
Về chủ quan, cán bộ, công chức vẫn muốn theo cách thức truyền thống là trực tiếp gặp người dân, DN. Thói quen này có thể liên quan đến lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, lôi kéo lợi ích.
Như Tổng bí thư, Chủ tịch nước từng nói, chúng ta phải phòng chống tham nhũng vặt. Chính tham nhũng vặt này rất nguy hiểm, tạo ra sức ỳ rất lớn và tạo ra những rào càn kinh khủng liên quan đến nhiều vấn đề như khởi nghiệp DN, chi phí chính thức và phi chính thức…
Nếu làm tốt Chính phủ điện tử, tôi tin có thể cải cách điều này. Muốn vậy, chúng ta phải thiết kế quy trình rất chặt chẽ, từ đó ứng dụng công nghệ thông tin để theo chương trình đó. Nhưng quan trọng nhất là phải vượt qua được tư tưởng trước nay chúng ta làm nhưng không muốn ai kiểm tra, giám sát.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ tạo ra sự minh bạch, công khai, vì tất cả đều lưu vết trong quá trình xử lý. Như vậy, việc chậm trễ, gây khó khăn cho người dân, DN sẽ được giảm bớt. Cạnh đó là sự giám sát, kiểm tra, xây dựng chỉ số đánh giá sự hài lòng của người dân, DN cũng như từng bước nâng cao chất lượng cán bộ công chức trong thực thi công vụ…
Đây là rào cản mà nếu bước qua được, chúng ta sẽ tiến tới nền hành chính thông minh, quản trị hiện đại.
Cải cách mà chỉ lo co kéo về mình thì không làm được
Bộ trưởng cũng từng nói: “Cải cách mà không tâm huyết, không đau đáu thì không làm được”. Ông có thể chia sẻ tâm huyết, nỗi đau đáu của mình trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử?
Trong quá trình cải cách, ta phải tâm huyết, nhưng chỉ tâm huyết thôi chưa đủ. Những người làm cải cách phải biết loại bỏ lợi ích cá nhân, rào cản. Ngay cả lợi ích cục bộ của cơ quan, giờ cải cách cũng phải loại bỏ.
Cải cách mà luôn chỉ lo nghĩ co kéo về mình thì không bao giờ làm được. Cải cách phải tiên phong, gương mẫu mà mình không gương mẫu thì không nói ai được… Đây là yêu cầu rất cao của Thủ tướng với đội ngũ xây dựng Chính phủ điện tử.
Là tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng đi đốc thúc các bộ ngành, địa phương cải cách, bản thân Bộ trưởng chắc hẳn cũng phải nêu gương, đi đầu, ông cảm thấy việc ấy có dễ làm, dễ chịu?
Vì việc chung, vì đất nước không dễ chịu cũng phải làm. Mình đã làm cải cách mà không dám làm như vậy thì chẳng ai dám làm. Tổ công tác của Thủ tướng đi kiểm tra phải “va đập” nhiều. Nơi nào làm tốt thì khen, báo cáo Thủ tướng, chuyển lời khen của Thủ tướng, nơi nào làm không đúng thì mình cũng phải nói.
Mà nói ra thì động chạm, vì liên quan đến lợi ích của người này, nhóm kia. Nhưng không nói không được, né tránh không nói thì khác gì mình a dua với người ta.
Dù đụng chạm, nhưng mỗi lần làm được cho đất nước một việc tốt thì chẳng có gì phải sợ. Cắt của người ta mang về nhà mình mới sợ, còn cắt của người ta mà mang lại cho đất nước, cho mọi người thì có gì phải lo.
Bản thân mình nếu không vượt qua được tâm lý ấy sẽ không làm được gì cả. Tất nhiên trong quá trình làm thì phải từng bước, xử lý từng việc rồi dần dần sẽ có thay đổi.
Đích đến là sự chuyển động của cả hệ thống chứ một người chẳng giải quyết được việc gì. Nhưng nếu người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị không thay đổi thì bên dưới chắc chắn sẽ không chuyển động.